Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Con đường lập nghiệp bằng học nghề hệ 9+

Chương trình đào tạo liên thông từ tốt nghiệp THCS đến trình độ cao đẳng (chương trình đào tạo 9+) đã và đang đem đến nhiều lợi ích cho người học khi có được trình độ kỹ năng nghề cao ngay sau tốt nghiệp THPT, nhanh chóng gia nhập thị trường lao động hấp dẫn và đầy cạnh tranh.

Chương trình đào tạo 9+ mang lại nhiều lợi ích cho người học.

Chương trình đào tạo 9+ mang lại nhiều lợi ích cho người học.

Hệ 9+ phù hợp với điều kiện và năng lực học tập

Hoàng Quân (học sinh năm thứ 2 hệ 9+, Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội nhận thấy chương trình đào tạo 9+ rất phù hợp với điều kiện và năng lực học tập của mình. Tại trường, em được học văn hóa của chương trình THPT và kỹ năng nghề Cắt gọt kim loại. Đến nay, em đã vận hành tốt máy móc, thiết bị công nghệ để sản xuất, cắt gọt các chi tiết máy theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Về văn hóa, em cố gắng học những kiến thức cơ bản để hỗ trợ tốt hơn cho việc học nghề. “Sau khi học xong chương trình này và liên thông lên cao đẳng, em sẽ đăng ký sang Nhật hoặc Đức để làm việc”, Quân nói.

Việc học nghề hệ 9+ đã giúp Minh Đức (Lớp Trung cấp Điện 12, Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Hà Nội tìm được việc làm đúng nghề được đào tạo là điện công nghiệp hồi tháng 5.

Em Kim Chung, học sinh lớp 11D2 nghề quản trị mạng máy tính chia sẻ: Môi trường học tập vừa học vừa làm đã giúp em thích thú học tập. Ở giờ thực hành trên xưởng, em được tìm tòi và khám phá nghề mà mình yêu thích, được trau dồi kiến thức, kỹ năng và tác phong làm việc tại các doanh nghiệp. "Em cảm thấy thoải mái và không bị áp lực học tập quá nặng. Ở trường nghề, chương trình học không mang nặng lý thuyết mà chú trọng thực hành (70% thời lượng thực hành), do đó học viên có điều kiện vận dụng kiến thức đã học vào thực tế", Chung tâm sự.

 

Nhiều lợi ích cho người học

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội khẳng định: Nhà trường cam kết về đào tạo chất lượng cao ở tất cả các trình độ được đào tạo, trong đó nhấn mạnh mục tiêu xây dựng và định vị thương hiệu cho hệ đào tạo 9+. “Chương trình đào tạo 9+ giúp học sinh giảm sức ép học các môn văn hóa, được đào tạo nghề trong môi trường chuyên nghiệp, đầy đủ trang thiết bị, máy móc công nghệ cao. Chỉ sau 3 năm học, các em đã tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp trình độ trung cấp nghề, đủ điều kiện học liên thông lên trình độ cao đẳng chính quy và tốt nghiệp danh hiệu Kỹ sư thực hành. Đào tạo 9+ cũng rút ngắn đáng kể thời gian học tập và hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp cho người học. Bên cạnh đó, học sinh còn được doanh nghiệp và nhà trường cam kết việc làm với mức lương khởi điểm 8 triệu đồng trở lên”, ông Ngọc cho biết.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&Đ), việc thí sinh chủ động chọn học nghề là xu hướng tốt. Bởi chọn học cao đẳng hoặc trung cấp nghề là các em đã có suy nghĩ thực tế hơn. Một tỷ lệ lớn sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp sau khi tốt nghiệp đã có việc làm ngay theo đúng ngành đào tạo.

Mặt khác, các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cơ hội việc làm đối với sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp ngày càng phong phú. Thu nhập sau tốt nghiệp từ trường nghề không thấp, đặc biệt là những em có tay nghề trong những ngành “khát” nhân lực như: Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Cơ điện tử...

Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều bạn trẻ đã ưu tiên chọn học nghề thay vì đại học. Để thực sự là “lựa chọn tin cậy” của thí sinh và phụ huynh, các trường trung cấp, cao đẳng nghề cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng bám sát nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; thực hiện tốt phương châm “gắn nhà trường với doanh nghiệp”, nâng cao tính thực tiễn trong quá trình đào tạo; tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để gia tăng cơ hội việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp; hướng đến mô hình đào tạo ngắn (không quá 3 năm) nhưng chất lượng và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.