Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Công an TP.HCM khuyến cáo về các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao

(Dân sinh) - Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM đã trao đổi một số thông tin liên quan đến hành vi gọi điện lừa đảo người dân; đồng thời đưa một số cảnh báo về hành vi thuê mướn để sử dụng thông tin, giấy tờ cá nhân.

Tại họp báo định kỳ cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội của TP.HCM vào chiều 30/3, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay, hiện tội phạm công nghệ cao có nhiều thủ đoạn để lừa đảo. 

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, tình hình tội phạm này có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau. 

Trong đó, có các thủ đoạn như: mạo danh giáo viên, nhân viên y tế báo tin cho phụ huynh về việc học sinh bị tai nạn cấp cứu, yêu cầu nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu từ đó chiếm đoạt; giả danh cán bộ công an, viện kiểm soát, tòa án, nhân viên bảo hiểm, nhân viên viễn thông... bịa đặt thông tin, hù dọa nạn nhân liên quan đến vụ việc đang bị điều tra, làm nạn nhân hoang mang rồi yêu cầu phải chuyển tiền đảm bảo hoặc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP rồi chiếm đoạt.  

Công an TP.HCM khuyến cáo khi nhận được các cuộc điện thoại có dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết. (Ảnh: Thành Nhân).

Công an TP.HCM khuyến cáo khi nhận được các cuộc điện thoại có dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết. (Ảnh: Thành Nhân).

Cùng với đó là các hành vi dụ dỗ đầu tư vào các hội nhóm trên mạng xã hội làm nhiệm vụ để hưởng hoa hồng, nạp tiền sinh lời, đầu tư chứng khoán rồi chiếm đoạt... của nạn nhân. 

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, điều tra của cơ quan công an ở một số vụ án cho thấy, thường số tiền sau khi được chuyển vào tài khoản ngân hàng, các đối tượng lập tức chuyển tiền sang nhiều tài sản khác hoặc mua hàng hóa thanh toán ở nước ngoài. Gần đây, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo thường không trực triếp đến ATM để rút tiền. 

Trước các thủ đoạn trên, Công an TP khuyến cáo người dân chủ động nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số giấy tờ tùy thân, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào yêu cầu mà không quen biết qua điện thoại. 

Khi nhận được các cuộc điện thoại có dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, không hoang mang, lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân xung quanh, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em mình để được tư vấn, làm rõ. Đồng thời thông báo, trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, tiếp nhận giải quyết. 

Thượng tá Lê Mạnh Hà lưu ý, ngay khi có hoạt động vay mượn, chuyển khoản cho người thân cũng phải gọi điện thoại xác thực lại. Thậm chí các đối tượng gọi facetime, sử dụng ứng dụng thông minh để giả giọng nói, giả hình ảnh, sau đó giả là sóng không ổn định rồi ngắt máy và nhắn tin. Trường hợp này cần gọi xác định lại sẽ phát hiện được thủ đoạn của đối tượng. 

Đại diện Công an TP.HCM lưu ý, lực lượng công an và các lực lượng chức năng khác của cơ quan nhà nước trong quá trình điều tra, giải quyết vụ việc, không bao giờ làm việc với công dân qua điện thoại (cơ quan công an không mời công dân làm việc qua điện thoại lần đầu tiên), tuyệt đối không có lời lẽ hăm họa, đe dọa hoặc gửi những tài liệu khởi tố, khởi kiện qua điện thoại.

Nếu cơ quan chức năng mời làm việc sẽ gửi giấy mời công dân thông qua chính quyền đoàn thể địa phương nơi công dân cư trú để làm việc đúng theo quy định của pháp luật.