Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Công bố Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới

Năm 2006, Luật Bình đẳng giới được ban hành, trong đó yêu cầu các cơ quan Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Những thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có những tiến bộ đáng kể về thúc đẩy bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Nhằm đánh giá sự thống nhất của Luật Bình đẳng giới với những tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và các bộ luật, luật khác của Việt Nam, ngày 24/9, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà và bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam chủ trì hội thảo.

Nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, sau 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, nhiều thành tựu đáng tự hào về bình đẳng giới của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận. Điển hình như tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ khóa XIV đạt 26,8% cao hơn so với mức trung bình 19% của các quốc gia Châu Á và 25% của toàn cầu. Tỷ lệ học sinh nam và nữ ở các cấp bậc học luôn ngang bằng nhau. Cơ cấu giới tính phân bố trong lực lượng lao động của Việt Nam tương đối cân bằng với tỷ trọng 52,7% nam giới và 47,3% nữ giới tham gia lực lượng lao động.

Công bố Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà thông tin về những thành tựu đạt được sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới.

Công tác bình đẳng giới đã bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người dân, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Một số chỉ số phát triển được cải thiện đã đưa Việt Nam lên các bậc xếp hạng cao hơn và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới. Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,63, xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước, đang ở gần mức trần của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình. Với chỉ số phát triển giới ở mức 1,003, Việt Nam xếp thứ 68 trong số 166 nước trên toàn thế giới năm 2018.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Thực tế, cả nam giới và phụ nữ đều chịu những tác động từ bất bình đẳng giới song phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn. Mặc dù chiếm gần một nửa lực lượng lao động quốc gia, song do thiếu kỹ năng và ít được đào tạo, chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững. Thu nhập bình quân tháng của lao động nữ chỉ khoảng 80% so với lao động nam. Mất cân bằng giới tính khi sinh cũng đang là một thách thức lớn để đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất ở Việt Nam…

Công bố Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới - Ảnh 2.

Bà Naomi Kitahara cho biết, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đạt được những tiến bộ về bình đẳng giới.

Xem xét, sửa đổi Luật Bình đẳng giới

Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới về bình đẳng giới do tác động của kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thiên tai và biến đổi khí hậu và những thay đổi về mặt nhân khẩu học. Những thách thức này đòi hỏi phải xây dựng những chính sách và hành động cụ thể để giữ vững những thành tựu đã đạt được, đồng thời khắc phục những vấn đề giới còn đang tồn tại cũng như nảy sinh trong thời gian tới. Nỗ lực này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đạt Mục tiêu phát triển bền vững số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Công bố Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Lam - Đại diện nhóm chuyên gia.

Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới được nhóm chuyên gia quốc tế và trong nước triển khai xây dựng từ đầu năm 2018 tới tháng 6/2019. Báo cáo tập trung đánh giá sự thống nhất của Luật Bình đẳng giới với những tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và các bộ luật, luật khác của Việt Nam; đánh giá kết quả thực hiện Luật trong giai đoạn 2007 - 2019, làm rõ những thành tựu và tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra những khuyến nghị cho việc sửa đổi Luật và đảm bảo công tác thi hành Luật được tốt hơn.

Tại hội thảo, đại diện nhóm chuyên gia đưa ra các khuyến nghị chính sửa đổi, bổ sung pháp luật ưu tiên thúc đẩy trong nhiệm kỳ 2021-2026 sửa đổi Luật Bình đẳng giới. Rà soát các luật nhằm xóa bỏ khoảng cách giới cũng như tăng cường bình đẳng giới. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến bình đẳng giới. Bên cạnh đó, theo các đại biểu, cần bổ sung các quy định rõ ràng, mạnh mẽ hơn về nguyên tắc bình đẳng giới trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm đảm bảo tốt hơn lồng ghép giới trong tổ chức, hoạt động của cơ quan dân cử. Cần sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho thống nhất với Luật Bình đẳng giới, đảm bảo lồng ghép giới phải được tiến hành đối với mọi dự luật, pháp lệnh. Về dài hạn, cần thành lập cơ quan cấp bộ về bình đẳng giới hoặc các quyền bình đẳng giới nhằm đảm bảo bình đẳng giới được ưu tiên hơn trong các mục tiêu chính trị và nguồn lực tài chính.

Công bố Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới - Ảnh 5.

Toàn cảnh Hội thảo.

Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết thêm: "Là 1 trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là yếu tố không thể thiếu trong tất cả khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội của mọi người. Bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người mà còn là nền tảng cần thiết cho một xã hội Việt Nam hòa bình và thịnh vượng. Nếu không giải quyết vấn đề về bình đẳng giới, Việt Nam sẽ không có cách nào đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030".

Tại Hội thảo, lãnh đạo của Bộ LĐ-TB&XH và UNFPA đã kêu gọi nhiều hơn nữa những nỗ lực chung từ phía các bộ, ban, ngành và tổ chức Chính phủ, tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và các cơ quan của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy tiến trình hướng tới phát triển bền vững vào năm 2030, để không ai bị bỏ lại phía sau.