Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Công tác đối ngoại của Bộ LĐ-TB&XH năm 2021: Chủ động, linh hoạt thích ứng trong bối cảnh dịch Covid-19

Ngày 31/12/2021, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị trong Bộ.

Phát biểu tổng kết công tác đối ngoại của Bộ LĐ-TB&XH năm 2021, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết: Trong năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho việc lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Bộ. Điều này đặt ra yêu cầu sử dụng linh hoạt các hình thức tổ chức hoạt động đối ngoại và tìm nội dung hợp tác quốc tế phù hợp trong bối cảnh mới, tập trung nhiều hơn vào nội dung lao động, việc làm, đối tượng dễ bị tổn thương trước tình hình dịch bệnh, đảm bảo cho hợp tác quốc tế không bị gián đoạn; hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực đối ngoại theo chức năng, nhiệm vụ được giao của Bộ LĐ-TB&XH đã đạt được kết quả khả quan tiếp tục góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành.

Về công tác chỉ đạo điều hành: Bộ đã tổ chức chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế, nổi bật là: Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình năm thực hiện Chiến lược Hội nhập quốc tế về lao động và xã hội 2016 - 2020, đề xuất phương hướng thực hiện trong giai đoạn tới; báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 (Đề án 161); ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án 161 giai đoạn 2021-2025 và hướng dẫn các Bộ, ngành thuộc Trụ cột Cộng đồng VHXH và các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025; Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Việt Nam tham gia ASEAN 2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và tổ chức hướng dẫn triển khai. Tổ chức làm việc với các doanh nghiệp, trường đại học và các tổ chức trong nước về việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tháo gỡ khó khăn, làm rõ quy trình, thủ tục để tạo điều kiện cho các chuyên gia, các nhà quản lý cấp cao của nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thay thế cho Quy chế ban hành năm 2012.

Các đại biểu tại điểm cầu Trụ sở Bộ

Các đại biểu tại điểm cầu Trụ sở Bộ

Bộ cũng đã tích cực triển khai các sáng kiến, dự án, hoạt động hợp tác ASEAN do Việt Nam chủ trì; tham gia tích cực các hoạt động, hội nghị của Ủy ban địa vị phụ nữ Liên hợp quốc, ASEAN, ILO, APEC, ASEM; triển khai các Hiệp định thương mại tự do và các công ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đã ký kết theo các kế hoạch đã được phê duyệt; thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) về quyền con người chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Về thực hiện các hoạt động hợp tác, hội nhập chuyên ngành với các đối tác nước ngoài theo cơ chế song phương và đa phương, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng mỗi lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ đều đạt được những kết quả nổi bật.

Trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, năm 2021, Vụ Hợp tác quốc tế đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, như: Chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN gồm: các hội nghị; Dự án Xây dựng năng lực cho việc thực hiện Khung trình độ quốc gia và bảo đảm chất lượng GDNN cho nhóm nước CLMV do Ban Thư ký ASEAN chủ trì với tài trợ của Hàn Quốc; triển khai các hoạt động của tổ công tác thực hiện thỏa thuận công nhận lẫn nhau, khung trình độ quốc gia, khung tham chiếu trình độ ASEAN; tham gia tích cục vào các hoạt động của Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN với tư cách là đầu mối kênh lao động của Việt Nam; tham gia dự án “Chương trình Hợp tác khu vực về giáo dục nghề nghiệp trong ASEAN (RECOTVET); tham gia các hoạt động trực tuyến trong khuôn khổ Thi kỹ năng nghề của Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới. là chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN; đẩy mạnh vận động và tiếp nhận viện trợ ODA không hoàn lại thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực GDNN như đối mới GDNN, chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng số, gắn kết doanh nghiệp..; tổ chức đàm phán, trao đổi các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm để thúc đẩy hợp tác về giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài huấn luyện thí sinh Việt Nam tham dự Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới năm 2022.

Trong lĩnh vực lao động, việc làm, Bộ tiếp tục tham gia tích cực các hoạt động hợp tác về lao động trong cộng đồng ASEAN và các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, cuộc họp trực tuyến về các nội dung về lao động di cư, an toàn lao động, thanh tra lao động…và các hoạt động của ILO, Tổ chức Thanh tra lao động quốc tế theo nghĩa vụ thành viên. Tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ILO và các tổ chức liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật về lao động, việc làm.tiếp tục tham gia tích cực các hoạt động hợp tác về lao động trong cộng đồng ASEAN, ILO, Tổ chức Thanh tra lao động quốc tế.

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ tham gia Hội nghị theo hình thức trực tuyến

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ tham gia Hội nghị theo hình thức trực tuyến

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục thực hiện dự án Khuôn khổ quan hệ lao động mới (NIRF) hỗ trợ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động 2019, nâng cao năng lực quản trị quan hệ lao động, thanh tra lao động và các đối tác xã hội trong quan hệ lao động; tham gia làm thành viên Ban Điều phối mạng An toàn vệ sinh lao động ASEAN; thực hiện Thỏa thuận hợp tác kỹ thuật giữa Bộ LĐ-TB&XH và Cơ quan An toàn vệ sinh lao động Hàn Quốc (KOSHA) giai đoạn 2018 – 2021.

Về đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài: Bộ tiếp tục thúc đẩy triển khai các chương trình, dự án hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan và các thị trường truyền thống khác. Trọng tâm là chương trình phái cử tu nghiệp sinh, lao động kỹ năng đặc định sang Nhật Bản, 5 chương trình đưa hộ lý và điều dưỡng viên đi học tập và làm việc tại CHLB Đức và Nhật Bản, Chương trình phái cử lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Bộ đã tổ chức các phiên làm việc trực tuyến với phía Ixrael để trao đổi về việc đàm phán, ký kết hiệp định hợp tác lao động giữa hai nước, bên cạnh đó, vẫn tiếp tục thúc đẩy hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại các quốc gia thuộc khu vực châu Âu, đặc biệt là tại Đức. Tiếp tục hợp tác với các đối tác ILO, UNWOMEN, GIZ trong việc xây dựng và thực hiện chính sách đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo an toàn, hợp pháp, đặc biệt là tham vấn các chuyên gia quốc tế trong quá trình sửa đổi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong năm, Bộ đã phê duyệt 03 dự án vốn ODA không hoàn lại trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với tổng giá trị khoảng 4 tỷ đồng do ILO và GIZ tài trợ.

Về lĩnh vực an sinh xã hội, công tác trợ giúp xã hội tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của quốc tế, như là các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ, phục vụ tích cực cho việc triển khai các chính sách bảo trợ xã hội, chăm sóc các đối tượng yếu thế như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, giảm nghèo, phát triển nghề công tác xã hội. Đặc biệt, Bộ đã hoàn thành thủ tục và thay mặt Chính phủ ký kết Hiệp định bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và nước Đại Hàn Dân Quốc. Song song với đó, Bộ đã tổ chức được các phiên họp kỹ thuật với đối tác Nhật Bản để thống nhất việc khởi động đàm phán giữa hai Chính phủ về hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội.

Trong lĩnh vực bình đẳng giới, Bộ đã tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực về bình đẳng giới gồm Khóa họp lần thứ 65 của Ủy ban địa vị phụ nữ Liên hợp quốc, Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC, Ủy ban Phụ nữ ASEAN, Ủy ban Thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN, các hội nghị, hội thảo khu vực về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ. Bộ đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Báo cáo quốc gia định kỳ lần thứ 9 về tình hình thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) trình Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong năm 2019, do dịch bệnh Covid-19, Bộ không tổ chức đoàn ra, đoàn vào, thay vào đó là tham gia các cuộc họp, hội nghị, hội thảo trực tuyến, trong đó đã chủ trì tổ chức và cấp phép tổ chức 79 hội nghị, hội thảo quốc tế về học tập, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm, an sinh xã hội, tham vấn xây dựng văn bản pháp luật, trao đổi về thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã phát biểu để làm rõ hơn những kết quả đã đạt được về công tác đối ngoại năm 2021 trong từng lĩnh vực chuyên ngành, qua đó đóng góp ý kiến để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động đối ngoại của Bộ LĐ-TB&XH trong những năm tiếp theo. Đại diện các đơn vị cũng đề nghị Vụ Hợp tác quốc tế tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế, các đối tác để hỗ trợ các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao.