Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Công tác xã hội trong trường học - Điểm tựa tinh thần cho các em học sinh

(Dân sinh) - Phát triển công tác xã hội trường học không chỉ giúp các em học sinh điều chỉnh hành vi, phát huy năng lực bản thân, mà còn góp phần xây dựng trường học an toàn, thân thiện, đảm bảo mọi trẻ em được tiếp cận giáo dục một cách công bằng.

Ngày 22/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/QĐ-TTg Ban hành chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 nhằm đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp; đồng thời, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Một trong các mục tiêu của Quyết định số 112 là đạt 60% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội.

Thời gian gần đây, hoạt động công tác xã hội trong trường học được Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT và các tổ chức liên quan cũng như các bậc phụ huynh và học sinh đặc biệt quan tâm theo dõi.

Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện công tác xã hội trường học.

Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện công tác xã hội trường học.

Nhân viên công tác xã hội trường học là người giúp học sinh thay đổi những hành vi tiêu cực như: không hoàn thành việc học tập, bạo lực học đường, vi phạm pháp luật…; giúp các em phát huy những điểm mạnh của bản thân để thành công trong học tập, định hướng nghề nghiệp.

Đồng thời, nhân viên công tác xã hội còn có vai trò hỗ trợ công tác phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội, phòng chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những trẻ em yếu thế như trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…

Mặt khác, thông qua tư vấn, các nhân viên công tác xã hội cung cấp các kiến thức và kỹ năng giúp các em học sinh tự giải quyết vấn đề, vượt qua những khó khăn, khủng hoảng về tâm lý. Nhân viên công tác xã hội cũng là người giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về quyền và bổn phận, trách nhiệm của mình đối với gia đình và cộng đồng, nắm được Luật Trẻ em và các quy định pháp luật khác.

Nói về hoạt động công tác xã hội trong trường học, cô Nguyễn Thị Chính - Hiệu trưởng Trường THCS Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội cho biết: Trong nhiều trường hợp, khả năng phát hiện, phòng ngừa, can thiệp và phát triển của trường học nói chung và giáo viên nói riêng sẽ tốt hơn gia đình, bởi không phải gia đình nào cũng có đủ hiểu biết, năng lực và nguồn lực để hiểu và hỗ trợ con em mình khi gặp vướng mắc trong cuộc sống. Bên cạnh đó, do truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, các trường học với uy tín của mình cũng khá thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực để hỗ trợ học sinh.

Bên cạnh đó, nhân viên công tác xã hội cũng là người hỗ trợ các em học sinh hòa nhập cộng đồng sau can thiệp.

Công tác xã hội trong trường học cũng giúp các bậc phụ huynh tham gia một cách tích cực hơn trong việc giáo dục con cái, hiểu được nhu cầu phát triển và giáo dục của trẻ, cải thiện kỹ năng làm cha mẹ.

Mặc khác, công tác xã hội trong trường học cũng giúp các thầy cô giáo giảm áp lực công việc, kết nối giữa giáo viên với phụ huynh và học sinh hiệu quả hơn, nhất là với những học sinh cần sự giáo dục đặc biệt.

Tóm lại, công tác xã hội trong trường học có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề của nhà trường thông qua quá trình tác động vào 4 đối tượng chính của trường học, đó là học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục; giúp các em học sinh phát triển toàn diện trong mội môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và bình đẳng.