Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Covid-19 có thể khiến 115 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực

(Dân sinh) - Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khiến nền kinh tế thế giới suy thoái và có thể đẩy 115 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực.

Ngân hàng Thế giới vừa cảnh báo, hơn 150 triệu người có thể rơi vào cảnh đối nghèo cùng cực, tức chỉ sống với chưa đến 1,9 USD/ngày vào cuối năm 2021, tùy thuộc vào mức độ suy giảm của các nền kinh tế trong đại dịch Covid-19.

Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 82% số này dự kiến ở những nước có thu nhập trung bình như: Ấn Độ, Nigieria và Indonesia. Nhiều người sẽ là cư dân thành thị có trình độ học vấn cao hơn, có nghĩa là các thành phố sẽ phải chứng kiến sự gia tăng kiểu nghèo đói truyền thống vốn chỉ có ở các vùng nông thôn. Hầu hết người nghèo cùng cực mới, khoảng 110 triệu người sẽ ở Nam Á và châu Phi cận Sahara.

Đại dịch Covid-19 đã kéo lùi nhiều năm tiến bộ trong cuộc chiến chống lại tình trạng nghèo đói cùng cực trên toàn cầu, với dự báo lần đầu tiên tăng trong năm nay sau hơn 2 thập kỷ.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cảnh báo, cuộc khủng hoảng có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng toàn cầu và khiến các quốc gia khó trở lại thời kỳ "tăng trưởng bao trùm hơn". Tăng trưởng toàn cầu dự kiến giảm 5,2% trong năm nay và đây cũng là con số kỷ lục trong 8 thập kỷ qua.

Trong một diễn biến khác, TTXVN đưa thông tin, ngày 8/10, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và WB công bố báo cáo chung cho biết, mỗi năm khoảng 2 triệu ca tử vong khi sinh ra; đồng thời cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể thêm 200.000 ca tử vong vào con số kinh hoàng này do khoảng 50% dịch vụ y tế ở các nước có thu nhập thấp và trung bình bị ảnh hưởng của dịch bênh.

Covid-19 có thể khiến 115 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực - Ảnh 1.

Một ngôi làng ở Nigieria. Ảnh: AFP.

Mark Hereward, Phó Giám đốc phụ trách dữ liệu và phân tích của (UNICEF) cho biết, trẻ em ở nhiều nước chịu tác động của đại dịch ngay cả khi người mẹ không mắc bệnh.

Nguyên nhân là do suy thoái toàn cầu làm gia tăng sự nghèo khó, ảnh hưởng đến các dịch vụ y tế, đồng thời khiến các nhân viên y tế và cả người dân đều e sợ đến phòng khám.

Ông cảnh báo nếu không có hành động khẩn cấp, thế giới sẽ có thêm 30 triệu ca tử vong khi sinh vào năm 2030.

Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các nước cần nhanh chóng tăng cường các nỗ lực chăm sóc y tế trên diện rộng để đối phó đại dịch Covid-19.

Theo ông Guterres, thế giới cần phải rút ra những bài học đau đớn từ cuộc khủng hoảng này, một trong số đó là y tế chưa được đầu tư có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế và xã hội.

Đại dịch đã khiến hơn 1 triệu người tử vong, điều đó chứng tỏ thế giới cần có hành động khẩn cấp hơn, cần có ngay sự bao phủ y tế rộng khắp.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng, mọi cá nhân và cộng đồng cần nhận được các dịch vụ y tế cần thiết mà không phải chịu những khó khăn tài chính quá mức, dịch vụ y tế cần được cung cấp bất chấp gánh nặng về kinh phí.

Đây là một thách thức trong bối cảnh kinh tế suy thoái, song đại dịch Covid-19 đã cho thấy rằng việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế.