Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Covid-19 đã có dấu hiệu lây lan ra cộng đồng

(Dân sinh) - “Điều chúng tôi lo sợ nhất là dịch bùng ở cộng đồng. Vì thế các biện pháp chống dịch cần làm kiên quyết. Mục tiêu phát hiện ca dương tính ở cả bên ngoài và bên trong”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo...

Đề cập đến nguy cơ mắc Covid-19 trong cộng đồng, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, nếu như trước đây chúng ta chỉ ghi nhận các ca bệnh chỉ từ Trung Quốc, Hàn Quốc thì giờ đã phát hiện ở tất cả các nước: châu Âu, châu Mỹ, các nước Đông Nam Á, đều có ca xâm nhập vào Việt Nam. Số ca xét nghiệm dương tính tăng vọt trong mấy ngày gần đây là do chúng ta quản lý được số lượng người nhập cảnh tại sân bay. Hầu hết các chuyến bay về nước ta phát hiện đều có người dương tính. 

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 ở Việt Nam đã có sự lây lan tại cộng đồng, như tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), một điều dưỡng mắc bệnh không phải là do lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Theo điều tra, điều dưỡng này trước đó có đi Côn Đảo về. Vì thế, vấn đề quan trọng là ngoài phát hiện các ca xâm nhập chúng ta cần phát hiện sớm các ca trong cộng đồng, quản lý chặt, không để bùng phát thành ổ dịch lớn.

Lý giải về số ca mắc ở Việt Nam chủ yếu là người trẻ tuổi, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, tại Việt Nam, người già chưa mắc nhiều, chủ yếu là người trẻ vì là các xâm nhập. Ca mắc chủ yếu hiện nay là du học sinh… Một số nước như Trung Quốc, Italia… ghi nhận số ca mắc ở người già nhiều là do dịch bùng phát trong cộng đồng. Tại nước ta hiện nay hiện dịch chưa thấy dấu hiệu bùng lên ở cộng đồng nhưng đã xuất hiện dấu hiệu lây lan trong cộng đồng

"Điều chúng tôi lo sợ nhất là dịch bùng ở cộng đồng. Vì thế các biện pháp chống dịch cần làm kiên quyết. Mục tiêu phát hiện ca dương tính ở cả bên ngoài và bên trong", ông Phu nhấn mạnh và khuyến cáo: Người dân không được chủ quan, lơ là nhất là trong giai đoạn hiện nay. Cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh vì đã có ca lây nhiễm tại cộng đồng. Trước đây số ca mắc ít, chỉ là ca xâm nhập từ bên ngoài vào thì nguy cơ lây thấp hơn, có đi chỗ này chỗ kia cũng khó lây. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại nên hạn chế đi lại, không đi ra đường, đến nơi đông người nếu không thực sự cần thiết. Không tụ tập đông người.  Người già không có việc gì thì không nên đi ra ngoài, không đi xe bus. Khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt là người già, người có bệnh nền sẵn có. 

Ngoài ra, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh như: đeo khẩu trang khi ra chỗ đông người, rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhiều lần trong ngày, không đưa tay lên mặt…

Covid-19 đã có dấu hiệu lây lan ra cộng đồng - Ảnh 1.

Tuân thủ chặt các biện pháp cách ly sẽ giúp phòng chống dịch hiệu quả

Không tuân thủ cách ly khiến nguy cơ phát tán dịch rất cao

Vì sao bệnh nhân số 100 vẫn đi lễ hơn 60 lần sau khi về từ Malaysia - đó là câu hỏi nhiều người đặt ra khi bệnh nhân COVID-19 thứ 100 đã đi lễ ở thánh đường Hồi giáo tại quận 8 (TP.HCM) suốt từ ngày 4-3 đến 17-3 mới được cách ly và dương tính với COVID-19, dù từng trở về từ Malaysia.

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi tại sao bệnh nhân này được hướng dẫn cách ly y tế tại nhà nhưng vẫn đi dự lễ hơn 60 lần, trước khi phát hiện dương tính với COVID-19.

Trước đó, ngay sau khi xác định ca bệnh, giải pháp khoanh vùng xử lý dịch đã được TP. HCM khẩn trương thực hiện. Các bước điều tra dịch tễ về ca bệnh ghi nhận những vấn đề bất thường trong việc phòng chống dịch ở bệnh nhân. Xác định đây là trường hợp từ Kuala Lumpur - Malaysia về Việt Nam trên chuyến bay của hãng hàng không Asia Air số hiệu AK524, ngay sau khi về nước, bệnh nhân đã được hướng dẫn tự cách ly tại nhà vì những yếu tố nguy cơ có liên quan đến sự bùng phát dịch bệnh tại nước bạn sau thánh lễ Hồi giáo. Tuy nhiên, người bệnh đã không tuân thủ các khuyến cáo cách ly của cơ quan chức năng. Trong thời gian từ ngày 4/3 đến ngày 17/3, bệnh nhân đã liên tục đi lễ tại Thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar - số 157B/9 Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8, TP.HCM.

Hành vi trốn cách ly, gia tăng nguy cơ phát tán dịch bệnh, xem thường sức khỏe, sinh mạng của cộng đồng đang gây tâm lý bức xúc cho xã hội và các chuyên gia trong lĩnh vực y tế. Rõ ràng ca bệnh thứ 100 đã có hành vi trốn cách ly làm gia tăng nguy cơ phát tán dịch Covid-19. Đây là hành vi nguy hiểm, đe dọa an toàn của cả cộng đồng, dù đang mắc bệnh nhưng hành vi này của người bệnh cần phải xử phạt nóng để làm gương cho những người khác. Bởi theo PGS-TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, dù đã cấm bay, nhưng "mầm bệnh nhập khẩu" chưa xuất hiện hết. Số ca F0 sẽ xuất hiện là tất yếu. Do vậy, biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất hiện nay là phải cách ly triệt để.