Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bạc Liêu:Triển khai hiệu quả đồng bộ các giải pháp cai nghiện

(Dân sinh) - Thời gian qua, các cấp, ngành tỉnh Bạc Liêu đã triển khai hiệu quả đồng bộ các giải pháp phối hợp giữa các ngành chức năng trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn ở các cơ sở cai nghiện. Việc chủ động chia sẻ, lắng nghe tư tưởng học viên, đồng thời cùng giúp gia đình họ vượt lên trở ngại đã giúp tỉnh không có điểm nóng xã hội, các cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện tốt chức năng cai nghiện, điều trị cho học viên, tình hình chính trị xã hội, an ninh trật tự được đảm bảo.

Tỉnh Bạc Liêu cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước có số người nghiện ma túy tăng nhanh. Tuy nhiên, bằng những giải pháp đồng bộ về quản lý, tháo gỡ các chính sách và phối hợp, tỉnh không có các điểm nóng xã hội xảy ra. Tại các cơ sở cai nghiện không có tình trạng học viên bỏ trốn, đạp phá. Tình hình an ninh, trật tự xã hội luôn ổn định.

Cụ thể hóa chủ trương, chính sách pháp luật về cai nghiện, không để học viên gây rối, bỏ trốn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung kiểm tra thực tế công tác cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy tại Hà Nội

Ông Phạm Hùng Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho biết, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, chính quyền, các sở ban ngành và các địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai đồng bộ và hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là công tác cai nghiện ma túy.

Trên cơ sở chương trình, kế hoạch phối hợp, tỉnh đã tiến hành rà soát, lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy, người có nguy cơ nghiện ma túy, từ đó phân nhóm người nghiện chất ma túy, người nghiện ma túy liên quan đến tệ nạn xã hội, có tiền sự, tiền án; xác định nhóm người nghiện cần lập hồ sơ giáo dục cai nghiện tại gia đình cộng đồng, nhóm cần phải lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện tập trung tại cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh, người nào vào cơ sở cai nghiện tập trung trước, người nào cai nghiện sau. Vì thế, mặc dù người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh tăng nhưng đã không tạo áp lực quá tải học viên cho các cơ sở cai nghiện ma túy, đồng thời cũng để xảy ra điểm nóng về người nghiện ma túy ở địa phương.

Bên cạnh đó, trong thời gian cai nghiện ma túy, học viên luôn được quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về cắt cơn giải độc, được phổ biến những văn bản pháp luật để nâng cao nhận thức, kỹ năng sống đúng theo chuẩn mực đạo đức, nhận biết những tác hại, sai phạm khi sử dụng ma túy; được tham gia các lớp học nghề, lao động sản xuất để nâng cao kiến thức, trị liệu phục hồi sức khỏe, để sau khi hết thời gian cai nghiện ma túy, học viên được tái hòa nhập cộng đồng, tham gia lao động sản xuất, đặc biệt là hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tái nghiện.

Cũng theo ông Thái, để tránh tình trạng học viên cai nghiện bỏ trốn ở các cơ sở cai nghiện, người lãnh đạo, quản lý phải lắng nghe, nắm chắc diễn biến tư tưởng của học viên. Khi học viên gặp khó khăn thì người quản lý cần động viên tinh thần, chia sẻ. Khi gia đình học viên gặp vướng mắc, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ về các thủ tục.

Cụ thể hóa chủ trương, chính sách pháp luật về cai nghiện, không để học viên gây rối, bỏ trốn - Ảnh 2.

Đào tạo nghề cho học viên cai nghiện tại cơ sở cai nghiện.


Trước và trong khi cai nghiện, người nghiện ma túy, học viên cai nghiện được thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ tiếp nhận vào cơ sở cai nghiện ma túy. Khi bàn giao học viên về địa phương để tái hòa nhập cộng đồng, họ cũng có đầy đủ các điều kiện tốt để chính quyền các địa phương dang tay đón trở về. Người sau cai khi trở về địa phương thì trong hồ sơ không chỉ có chứng nhận về sức khỏe, chứng nhận về ý thức mà còn cả thông tin về nhân cách, mong muốn cuộc sống của bản thân.

Việc chủ động chia sẻ, lắng nghe tư tưởng học viên, đồng thời cùng giúp gia đình họ vượt lên trở ngại đã giúp tỉnh không có điểm nóng xã hội, các cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện tốt chức năng cai nghiện, điều trị cho học viên, tình hình chính trị xã hội, an ninh trật tự được đảm bảo.