Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cuba dẫn đầu thế giới về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 2 tuổi

Trong khi Thuỵ Điển không tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ nhỏ, Mỹ chưa cấp phép vaccine cho trẻ dưới 2 tuổi thì Cuba đã tiêm phòng COVID-19 cho hầu hết trẻ nhỏ.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Theo báo điện tử Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam), Cuba là quốc gia duy nhất tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 2 tuổi. Bộ Y tế Công cộng cho biết trên 95% trẻ em từ 2 đến 18 tuổi của đảo quốc này đã được tiêm chủng đầy đủ.

Tiến sĩ Gerardo Guillén - nhà phát triển vaccine Abdala, một trong những loại vaccine nội địa của Cuba, chia sẻ: “Mặc dù COVID-19 ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn đến trẻ em, nhưng trẻ em là một nhân tố quan trọng khiến dịch bệnh lây lan mạnh mẽ”.

Là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cao nhất thế giới và đạt khả năng miễn dịch cộng đồng cao sau khi làn sóng Delta đạt đỉnh vào mùa hè năm ngoái, tỷ lệ lây nhiễm ở Cuba đã thấp hơn đáng kể so với Mỹ và châu Âu trong suốt làn sóng Omicron.

Ngoài ra, sự tin tưởng tuyệt đối vào dịch vụ y tế công cộng cũng đã tạo niềm tin lớn đối với vaccine nội địa cho người dân Cuba. Do vậy, tiêm chủng cho trẻ nhỏ được nhiều người coi là lẽ thường.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng nếu mức độ bao phủ vaccine ở dân số trưởng thành đã đạt được tỷ lệ cao, các quốc gia nên cân nhắc việc tiêm vaccine Pfizer/BioNTech cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Chile và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đang tiêm phòng cho trẻ 3 tuổi. Tuy nhiên, một số quốc gia khác đang đi ngược lại với xu hướng này. Vào tuần trước, Cơ quan Y tế Thuỵ Điển đã quyết định không khuyến nghị tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em dưới 11 tuổi vì cho rằng vaccine không có lợi ích rõ ràng. Các chuyên gia cho rằng tiêm phòng COVID-19 cho trẻ nhỏ mang lại nhiều lợi ích, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ.

Trong khi đó, theo Zingnews.vn, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, 90 triệu ca nhiễm đã được báo cáo kể từ khi biến chủng Omicron lần đầu tiên được xác định cách đây 10 tuần. Con số trên còn cao hơn số ca nhiễm của cả năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch COVID-19.

Trong khi nhiều quốc gia nới lỏng các hạn chế, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng không nên đánh giá thấp Omicron, mặc dù nó đã được chứng minh là ít gây bệnh nặng hơn các biến chủng trước đó.

Ông cũng viện dẫn “một sự gia tăng rất đáng quan ngại về tỷ lệ tử vong ở hầu hết khu vực trên thế giới”. “Chúng tôi quan ngại về việc một số quốc gia có quan điểm rằng nhờ có vaccine và khả năng lây lan nhanh nhưng ít nghiêm trọng của Omicron, việc ngăn ngừa virus lây lan không còn khả thi và cần thiết nữa”, tổng giám đốc WHO cho biết.

“Còn quá sớm để bất kỳ quốc gia nào đầu hàng hoặc tuyên bố chiến thắng”, ông cho biết thêm. “Bây giờ không phải là lúc để dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch cùng một lúc”, Maria Van Kerkhove, chuyên gia hàng đầu của WHO về COVID-19, cho biết. Đồng thời, bà cho biết các quốc gia nên dỡ bỏ các biện pháp theo cách chậm mà chắc.