Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Củng cố kiến thức cho học sinh sau thời gian dài học trực tuyến cho từng cấp học

Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 12/8 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nhiều kết quả tích cực ngành Giáo dục đã làm được trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nhiều kết quả tích cực ngành Giáo dục đã làm được trong thời gian qua.

Tiếp tục bám sát Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

Đánh giá năm học 2021-2022 tiếp tục là "năm học vượt khó", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nhiều kết quả tích cực ngành Giáo dục đã làm được, đồng thời bày tỏ trân trọng nỗ lực của toàn thể đội ngũ giáo viên, các em học sinh.

Phó Thủ tướng chia sẻ những khó khăn của ngành Giáo dục trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, trường lớp, giáo viên, cùng với đó là sự quan tâm, yêu cầu rất cao của người dân, xã hội.

Với năm học 2022 - 2023, Phó Thủ tướng nêu rõ những việc cụ thể đối với ngành Giáo dục. Đó là tiếp tục bám sát Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện đổi mới ở tất cả các khâu, phối hợp với các ban Đảng, ủy ban của Quốc hội theo từng chuyên đề.

Ngành Giáo dục phải thực hiện thực chất hơn việc dạy và học theo hướng phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ cho học sinh, trong đó cần đẩy mạnh hơn nữa việc giảng dạy các môn nghệ thuật trong trường học.

Học sinh học online trong thời gian tạm dừng đến trường vì dịch Covid-19.

Học sinh học online trong thời gian tạm dừng đến trường vì dịch Covid-19.

“Ngành Giáo dục phải thực sự quyết liệt trong đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Bộ GD&ĐT phải đúng là bộ quản lý nhà nước, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để có những điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục được nâng lên nhanh hơn, bền vững hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm đến vấn đề từ đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục, ngành Giáo dục cần tiếp tục đổi mới quản trị trường phổ thông sau những thành công ban đầu trong thực hiện tự chủ đại học. Các trường phổ thông phải thực sự là môi trường văn hóa và dân chủ, huy động sự tham gia của cộng đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT phải rà soát, chủ động đề xuất các cơ chế học phí, về thực hiện tự chủ nhằm có tỷ lệ thích hợp các trường ở những vị trí, địa bàn thích hợp có thể lo lương cho giáo viên để dành biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho những vùng nông thôn, khó khăn có đủ giáo viên, trường, lớp để học sinh học 2 buổi/ngày thuận lợi với sĩ số của một lớp theo đúng hướng dẫn của Bộ.

Nâng chất lượng học tập của học sinh dân tộc thiểu số, miền núi

Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ GD&ĐT chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc để có phương án tổ chức học cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo hướng các cháu "ở nội trú, bán trú nhưng học hòa đồng", nâng chất lượng học tập của học sinh dân tộc thiểu số, miền núi. Việc này phải làm kiên trì 15 - 20 năm và rất cần sự quan tâm thực sự sâu sát của chính quyền địa phương.

Nâng chất lượng học tập của học sinh dân tộc thiểu số, miền núi.

Nâng chất lượng học tập của học sinh dân tộc thiểu số, miền núi.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ GD&ĐT cần rà soát rất nghiêm túc tất cả các tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua, khen thưởng trong ngành giáo dục thực chất, phù hợp với điều kiện từng vùng miền, địa bàn. Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, bổ sung các quy định về việc huy động các nguồn đóng góp của cộng đồng cho trường học công khai, minh bạch.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát thực chất các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra, sử dụng sách tham khảo,… không để học sinh "phải tự nguyện" xin học thêm, xin tổ chức lớp học, xin mua sách tham khảo… "Tình trạng này đã được chấn chỉnh. Nhiều nơi làm rất tốt nhưng cá biệt vẫn còn. Chúng ta phải kiên quyết rà soát, xử lý nghiêm", Phó Thủ tướng lưu ý.

Về một số nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ GD&ĐT có kế hoạch, hướng dẫn chi tiết đối với việc bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh sau thời gian dài học trực tuyến cho từng lớp học, cấp học; cùng với các địa phương tổ chức tuyển dụng biên chế giáo viên được bổ sung cho thật tốt; theo dõi sát công tác tuyển sinh đại học; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để sớm trình Chính phủ các văn bản cần thiết để thực hiện chủ trương mua sách giáo khoa cho học sinh mượn dùng.

Phó Thủ tướng mong muốn và chúc ngành Giáo dục, toàn thể giáo viên tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, vất vả để xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân.