Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cung khan hiếm, bất động sản xác lập mặt bằng giá mới

(Dân sinh) - Theo báo cáo của JLL, giá sơ cấp của nhà liền thổ tại TP. HCM trong quý II/2020 đã xác lập kỷ lục mới với mức tăng lần lượt gần 36% theo năm và 5,2% theo quý, cho thấy thị trường bất động sản đang bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch.

Giá nhà liền thổ xác lập kỷ lục mới

Theo báo cáo thị trường quý 2 của JLL Việt Nam, do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu lành mạnh từ thị trường dẫn đến phần lớn các dự án bất động sản đều tăng giá nhẹ từ 1 - 3% so với quý trước.

Cung khan hiếm, bất động sản xác lập mặt bằng giá mới - Ảnh 1.

Đáng chú ý, giá phân khúc nhà liền thổ tại TP. HCM liên tục tăng và xác lập kỉ lục mới, với mức giá sơ cấp đạt 5.277 USD/m2, tăng gần 36% theo năm và 5,2% theo quý.

Một số dự án căn hộ phân khúc hạng sang mới ra thị trường hoặc đang trong giai đoạn bàn giao đã nâng giá trung bình toàn thị trường đạt 2.582 USD/m2 trong quý, tăng 27,5% theo năm và 5,3% theo quý.

Đánh giá về chiều hướng tăng giá của thị trường sau dịch Covid-19, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản BHS nhận định, tại một số thị trường tiêu biểu như Hạ Long, Bình Dương, TP.HCM, giá tăng trung bình từ 15 - 20% chủ yếu đến từ nguồn cung dự án của các doanh nghiệp có quỹ đất lớn.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM, thị trường bất động sản ghi nhận sự bật dậy từ tháng 5. Tỷ lệ dự án đưa ra thị trường tăng lên khoảng gần 6 lần, tỷ lệ tiêu thụ được trong tháng 5 so với tháng 4 tăng lên đến 15 lần. Điều đó cho thấy khả năng phục hồi của thị trường đang là rất cao.

Cung thấp – cầu cao, giá bất động sản khó giảm

Nguồn cung dự án mới ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu thực của thị trường còn rất lớn là một trong những nguyên nhân chính tạo lực đẩy cho giá thành bất động sản.

Bên cạnh những tác động nặng nề của dịch Covid-19, vấn đề pháp lý cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự suy giảm về nguồn cung, với lượng mở bán chủ yếu đến từ các dự án cũ đã tương đối đầy đủ về pháp lý.

Trái ngược với sự khan hiếm của nguồn cung, nhu cầu mua bất động sản, đặc biệt là mua để ở vẫn gia tăng không ngừng trên thị trường. Nổi bật phải kể đến phân khúc nhà liền thổ, lượng nhà ở bán được trong quý 2 ở TP. HCM tăng hơn 50% so với quý 1. Nhu cầu mua vẫn chủ yếu là để ở, trong đó phân khúc bình dân và trung cấp dẫn đầu với 83% trên tổng số giao dịch. Điều này cho thấy những người có nhu cầu về nhà ở, đầu tư đã quay lại thị trường sau một thời gian dài "đóng băng" bởi dịch Covid-19.

Thông tin từ một dự án quy mô tại Hồ Tràm (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, dù chưa tổ chức sự kiện mở bán nhưng đã được khách hàng đặt mua gần hết dù mức giá đưa ra không hề rẻ, khoảng 40 triệu đồng/m2.

Hay tại một số dự án của Tập đoàn FLC, hiện quỹ sản phẩm biệt thự thuộc dự án FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa) chỉ còn khoảng 10%, không đủ đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư quan tâm. Gần kề đó, các khu liền kề, khách sạn mini chưa chính thức mở bán nhưng đã đón nhận lượng lớn khách hàng đăng ký. Tại dự án FLC Tropical City Ha Long (Quảng Ninh), tình trạng khan hàng cũng ghi nhận tương tự.

Để đáp ứng kịp thời sức mua của thị trường, doanh nghiệp này cho biết sẽ nhanh chóng cho ra mắt thị trường nhiều sản phẩm mới thuộc các dự án tổ hợp, đô thị quy mô trên cả nước như Kon Tum, Đồng Tháp, Gia Lai… Trước đó, FLC cũng vừa động thổ tòa tháp FLC Diamond 72 Tower tọa lạc giữa trung tâm TP Hải Phòng vào đầu tháng 5.

Cung khan hiếm, bất động sản xác lập mặt bằng giá mới - Ảnh 2.

Hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản như Vingroup, MIK Group, TMS Group… cũng đồng loạt khởi động lại thị trường trong quý II, giúp thị trường cả nước có những bước phục hồi tích cực.

Dự báo trong thời gian tới, khi nguồn cung dồi dào hơn, có thể mức giá các chủ đầu tư đưa ra thị trường cũng sẽ cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, sản phẩm bất động sản không giống như như hàng hóa thông thường có thể mua nhanh bán nhanh. Nếu được quy hoạch bài bản, đầu tư đồng bộ thì tiềm năng tăng giá của sản phẩm này luôn cao hơn theo thời gian. Câu chuyện giảm giá sẽ khó diễn ra như dự đoán trên lý thuyết, bởi bất động sản vẫn luôn được xem là kênh "trú ẩn" vốn an toàn của nhà đầu tư Việt và dòng tiền đổ vào thị trường này dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.