Quay lại Dân trí
Dân Sinh

“Cuộc chiến” của phóng viên ở SEA Games 31

(Dân sinh) - Nước chủ nhà Việt Nam đã để lại ấn tượng mạnh với truyền thông trong khu vực bởi công tác tổ chức, mang lại một kỳ SEA Games 31 thành công tốt đẹp. Trong khi đó, với cánh phóng viên “gà nhà”, SEA Games 31 thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời, một kỷ niệm không bao giờ quên.

Cảm động hình ảnh phóng viên quốc tế tác nghiệp bằng… một tay

Evan Andraws Latief, phóng viên 24 tuổi người Indonesia, có lẽ là người để lại ấn tượng nhất trong quá trình tác nghiệp ở SEA Games 31, diễn ra tại Hà Nội và 11 tỉnh lân cận phía Bắc.

Evan Andraws Latief là phóng viên của trang thông tin Kami Bijak, Indonesia. Tại Đại hội thể thao Đông Nam Á năm nay, anh có nhiệm vụ phối hợp với Ủy ban Olympic Indonesia (NOC of Indonesia) để đưa tin về toàn giải đấu.

1

Với những phóng viên bình thường, việc tác nghiệp một sự kiện như SEA Games đã rất vất vả, nhưng Evan Andraws Latief lại rất đặc biệt. Anh là người khuyết tật, chỉ có một tay.

 Xuất phát từ niềm đam mê với báo chí và nhiếp ảnh, Evan còn làm các công việc chụp ảnh và biên tập video tự do. Tại SEA Games 31, các đồng nghiệp thường thấy Evan tác nghiệp ở các bộ môn thi như: Pencak silat, wushu, taekwondo, Bbóng rổ, cử tạ, thể thao điện tử…

2

Chàng phóng viên đến từ Indonesia là người rất cởi mở, thân thiện. Anh thường xuyên chia sẻ với đồng nghiệp về những bức ảnh mình chụp được. Cũng như bao phóng viên khác, Evan Andraws Latief đặc biệt chú ý tới bầu không khí trên các khán đài tại SEA Games 31.

Chia sẻ về khó khăn khi tác nghiệp bằng một tay, tay máy người Indonesia nói: “Một cách tự nhiên nhất, tôi tự tìm ra cách để dùng máy ảnh. Tôi gặp khó khi dùng những chiếc ống kính cận cảnh có kích thước lớn, nên tôi thường dùng những ống nhỏ hơn. Đến nay, đó là những khó khăn chủ yếu mà tôi gặp phải”.

3

Học đại học ngành báo chí từ năm 2016, Evan đã sớm tìm thấy đam mê với nhiếp ảnh. Trong khi mọi chiếc máy ảnh được thiết kế để thuận tiện cho người thuận tay phải, Evan với bàn tay trái khéo léo của mình đã khiến việc tác nghiệp dường như không có gì khó khăn.

Hình ảnh của Evan Andraws Latief lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội Việt Nam trong những ngày diễn ra SEA Games 31. Phóng viên người Indonesia cười nói: “Tôi không nghĩ mình lại trở nên nổi tiếng như vậy. Tôi cũng không biết mình có thực sự là nguồn cảm hứng cho ai không, mà chỉ cố gắng để luôn làm hết sức để thực hiện tốt nhất công việc của mình mỗi ngày”.

4

Muôn chặng đường tác nghiệp

SEA Games 31 tại Việt Nam tổ chức 40 môn với 523 nội dung thi đấu, nhưng ngay trước ngày khai mạc đại hội, bóng đá nam là môn diễn ra sớm nhất và ngay lập tức thu hút sự quan tâm của giới truyền thông và người hâm mộ Việt Nam.

Sức nóng của SEA Games 31 khiến cánh phóng viên… “tái mặt”, bởi làm sao truyền tải được thông tin kịp thời, chính xác và sinh động về mọi sự kiện của đại hội, là một thách thức rất lớn.

5

Trước SEA Games 31 khoảng 1 tháng, cánh phóng viên chúng tôi đã phải liên hệ đặt phòng tại Phú Thọ, Nam Định, Quảng Ninh… để tránh trường hợp bị “cháy phòng”.

Nhưng ngay cả có sự cẩn thận như vậy, thì nhiều người vẫn không thuê được phòng khách sạn ưng ý, gần sân và đủ điều kiện để tác nghiệp.

“Phương án 2” được các phóng viên này tính đến là thuê nhà dân. Đây là phương án rất hợp lý khi tác nghiệp ở Việt Nam. Các phóng viên chỉ phải bỏ ra một chi phí rất hợp lý, thuê xe máy và cần một đường truyền internet đủ mạnh, thế là có thể “chiến đấu”.

6

“Cuộc chiến” khốc liệt và thử thách từ… ông trời

Tại SEA Games 31, bóng đá luôn là môn thể thao nhận được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ. Bảng A môn bóng đá nam diễn ra ở sân Việt Trì (Phú Thọ), bảng B diễn ra ở sân Thiên Trường (Nam Định) còn bóng đá nữ diễn ra trên sân Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Có một điểm chung ở các trận bóng đá là dù có đội chủ nhà hay không, các khán đài luôn được lấp kín. Người hâm mộ “đặt gạch”, xếp hàng từ tối hôm trước để chờ mua vé và các phóng viên cũng phải “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” với người dân để tác nghiệp về bầu không khí trước trận đấu.

bau khong khi le hoi tren cac khan dai

Nhưng như thế chưa phải là vất vả nhất. Điều mà các phóng viên cả trong nước và quốc tế lo lắng nhất là không được… vào sân để tác nghiệp.

Do số lượng báo chí đăng ký làm thẻ quá đông (khoảng 3.000 người), nên nếu tất cả vào sân tác nghiệp các trận bóng đá sẽ bị quá tải. Vì thế, Ban tổ chức đã phát thẻ phụ với số lượng nhất định. Những thẻ này được phát kèm theo chiếc áo bib (mặc xuống sân) vào một khung giờ nhất định, nên xảy ra tình trạng các phóng viên phải đăng ký sớm hoặc thậm chí là tranh suất của nhau rất căng thẳng.

bong da nu hcv sea games

Sau khi vượt qua được “cửa ải” đầu tiên là có thẻ phụ để tác nghiệp, các phóng viên phải vượt qua một trở ngại lớn tiếp theo là… ông trời.

Hầu như các trận đấu diễn ra tại Phú Thọ đều có mưa rất to. Đây thực sự là nỗi ám ảnh của giới truyền thông, ai cũng mang theo lỉnh kỉnh máy móc, đồ đạc. Đã có nhiều phóng viên do không cẩn thận để nước mưa làm ướt máy ảnh dẫn đến bị hỏng, phải sửa chữa rất tốn kém và điều quan trọng là không hoàn thành công việc được cơ quan giao cho.

Đỉnh điểm của thời tiết xấu là trận chung kết môn bóng đá nam tại SEA Games 31 giữa chủ nhà Việt Nam và Thái Lan. Để có một vị trí thuận lợi chụp ảnh dưới sân, nhiều phóng viên phải ra sân từ… 1 giờ chiều, tức là trước trận đấu khoảng 6 tiếng đồng hồ.

cdv

Như vậy, các phóng viên phải đứng dưới mưa tới gần chục tiếng đồng hồ tính cả trận đấu và lúc trao giải, khiến ai cũng thấm mệt và lo ngay ngáy máy móc không biết có bị làm sao không.

Dĩ nhiên, việc tác nghiệp trong điều kiện thời tiết đều được các phóng viên chuẩn bị tinh thần, nhưng ngay cả với những người tác nghiệp ở trong nhà thi đấu cũng gặp tai nạn liên quan tới máy móc.

hang nghin nguoi dan xep hang mua ve

Một phóng viên kỳ cựu của Thông tấn xã Việt Nam bị đổ máy và ống kính khi tác nghiệp ở môn bơi do tình nguyện viên vô tình va vào, đã phải sửa hết gần 20 triệu đồng và phóng viên này phải bỏ tiền túi để sửa.

Càng tác nghiệp càng thấy yêu Việt Nam hơn

Hai tiếng sau trận đấu của U23 Indonesia, phóng viên Muhammad Adi Yaksa (tờ Bola.com, Indonesia) vẫn cặm cụi ngồi ở phòng báo chí sân Việt Trì để thực hiện nốt công việc của mình.

phong vien 1

Trong lần đầu tiên được ra nước ngoài tác nghiệp SEA Games 31, sự bỡ ngỡ là điều khó tránh khỏi với phóng viên người Indonesia. Nhưng bù lại anh cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Ban tổ chức nước chủ nhà Việt Nam, đặc biệt là lực lượng tình nguyện viên, các đồng nghiệp và cả người dân địa phương.

Trong khi đó, phóng viên Tanit Earbsuk của đài Thai PBS lại có những trải nghiệm đáng nhớ khi theo chân U23 Thái Lan trong hành trình thi đấu tại Nam Định.

phong vien 2

“Người dân ở đây dễ mến, thân thiện và vô cùng yêu bóng đá. Nụ cười rạng rỡ của họ như khiến tôi có thêm niềm vui. Tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ từ người Việt, cả khi đi tác nghiệp lẫn tham quan thành phố Nam Định. SEA Games 31 khiến tôi thấy yêu Việt Nam hơn rất nhiều”, Tanit Earbsuk chia sẻ.

Phóng viên này cho biết thêm khi tới Việt Nam, anh có cơ hội được thử những món ăn mới, bởi ở Thái Lan chủ yếu ăn những món cay. Anh cũng khẳng định: “Nếu có cơ hội đi du lịch cùng người thân, Việt Nam chắc chắn sẽ là điểm đến đầu tiên mà tôi lựa chọn ở Đông Nam Á".

phong vien tac nghiep duoi mua

SEA Games 31 để lại những kỷ niệm không thể tuyệt vời hơn với giới truyền thông nước ngoài, bởi sự mến khách, sự cổ vũ fair-play và cuồng nhiệt. Các phóng viên quốc tế đều bị choáng ngợp bởi bầu không khí lễ hội trên các khán đài, bởi bất cứ nhà thi đấu nào không riêng gì bóng đá. Có phóng viên đã phải thốt lên: “Tôi chỉ mong có bầu không khí này trên đất nước của mình”.

phong vien tac nghiep 4

Còn với các phóng viên Việt Nam thì sao, dĩ nhiên tất cả đều cảm thấy tự hào về đất nước của mình, hãnh diện với các đồng nghiệp quốc tế.

Tất cả luôn cảm thấy vui khi các SVĐ được lấp đầy bởi rất đông CĐV. Bầu không khí đó mang đến niềm vui cho người dân của Đông Nam Á chứ không riêng gì Việt Nam. Người hâm mộ Việt Nam chẳng khác nào những sứ giả của hòa bình, lòng nhân ái và tinh thần hiếu khách.

tac nghiep duoi mua