Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cước tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 lần thông thường

(Dân sinh) - Hầu hết giao dịch ngân hàng đều sử dụng dịch vụ viễn thông với các loại tin nhắn như: Xác thực khách hàng (OTP), thông báo biến động số dư tài khoản khách hàng, cảnh báo giao dịch lừa đảo, gian lận, thay đổi dịch vụ… nhưng chi phí dịch vụ tin nhắn đối với giao dịch của các ngân hàng còn quá cao.

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), hiện đã có 44/45 ngân hàng  thực hiện miễn, giảm phí thanh toán cho khách hàng, chiếm 99,7% thị phần đã miễn giảm phí. Nhiều loại phí được giảm từ 75-100% mức phí cũ. Tuy nhiên, việc giảm phí đang gặp phải trở ngại do phí dịch vụ tin nhắn viễn thông dành cho các ngân hàng đang cao hơn nhiều lần so với phí tin nhắn thông thường.

Cước tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 lần thông thường - Ảnh 1.

Cước tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 lần thông thường.

VNBA vừa tiếp tục gửi công văn tới Bộ TT&TT đề nghị các DN viễn thông giảm cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng. Đây là lần thứ 3 trong vòng hơn 3 tháng, VNBA có công văn đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các DN viễn thông điều chỉnh giảm cước tin nhắn. Theo VNBA, nếu phí tin nhắn giảm sẽ chia sẻ, giảm bớt gánh nặng phí cho các NH khi thực hiện chính sách miễn, giảm phí sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Các ngân hàng đều phải trả cước dịch vụ tin nhắn cho các nhà mạng, như với VinaPhone và MobiFone là 820 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng. Trong khi đó, trước đây Viettel tính mức thu đồng giá đối với các loại dịch vụ tin nhắn của ngân hàng là 500 đồng/tin nhắn, thì từ năm 2019, công ty này đã nâng mức giá cước lên 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính.… Trường hợp sử dụng đầu số thuê bao cung cấp dịch vụ tin nhắn của các đơn vị trung gian, các ngân hàng cũng phải trả cước là 720 đồng/tin nhắn.

Cước tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 lần thông thường - Ảnh 2.

Ngân hàng gồng mình bù lỗ.

Giá cước tin nhắn mà các DN viễn thông đang áp dụng đối với NH cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường (tin nhắn giữa các cá nhân đơn lẻ ở mức 250 - 300 đồng/tin nhắn). "Đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo quyết liệt để các DN viễn thông thực hiện việc giảm cước tin nhắn SMS đối với dịch vụ tài chính ngân hàng xuống bằng giá cước tin nhắn thông thường hoặc bằng 50% giá cước tin nhắn hiện nay hoặc bằng mức giá của Vietnammobile (280 - 400 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng)" - VNBA kiến nghị.

Hiện nay, mỗi giao dịch chuyển tiền/thanh toán ngân hàng đều phải gửi ít nhất 2 tin nhắn cho khách hàng. Với những NH miễn phí, một giao dịch thanh toán NH phải chi trả và chịu lỗ chi phí tin nhắn bình quân 1.640 đồng/giao dịch. "Bình quân mỗi khách hàng có 15 - 20 giao dịch/tháng, tương đương 25 - 30 tin nhắn/tháng, bằng khoảng 20.000 - 25.000 đồng/tháng. Trung bình, một NH quy mô nhỏ phải trả DN viễn thông từ 7,5 - 9 tỷ đồng/tháng" - VNBA dẫn chứng.

Với ngân hàng có quy mô lớn, như BIDV năm 2019 có 635,48 triệu tin. Trong 5 tháng đầu năm 2020 có 320,38 triệu tin. Tính từ đầu năm 2017 đến hết tháng 5/2020, BIDV phát sinh xấp xỉ 1.900 triệu tin, chi phí khoảng 1.200 tỷ đồng. Căn cứ nhịp độ sản lượng tin nhắn năm nay, BIDV ước tính sẽ phải bù lỗ khoảng 500 tỷ đồng. Nếu các nhà mạng áp mức giá thông thường khoảng 300 đồng/tin nhắn chi phí sẽ giảm khoảng 50% (BIDV sẽ giảm bù lỗ được khoảng 285 tỷ đồng).

Vừa qua, nhiều ngân hàng còn áp dụng chính sách miễn phí cho khách hàng phí quản lý tài khoản, phí chuyển tiền, phí SMS banking, phí phát hành thẻ, phí rút tiền ATM... dẫn đến mức độ bù lỗ còn lớn hơn và sẽ khó khăn trong việc ngân hàng hỗ trợ khách hàng. Theo nhiều ý kiến từ khách hàng, nếu nhà mạng không giảm phí, đến lúc nào đó, ngân hàng không gồng được sẽ đẩy phí này qua cho người sử dụng (bằng cách tăng phí của người sử dụng tài khoản ngân hàng), dẫn đến không phổ biến được các giao dịch không tiền mặt.