Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cựu Đại tá Phùng Anh Lê bị truy tố tội Nhận hối lộ: Những khúc mắc về pháp lý cần được làm rõ?

VKSND Tối cao truy tố bị can Phùng Anh Lê, nguyên trưởng công an quận Tây Hồ, nguyên trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội, về tội Nhận hối lộ. Các chuyên gia pháp lý cho rằng không có căn cứ buộc tội với bị can Lê về tội danh trên, còn nhiều vấn đề cần phải được làm rõ, cơ quan tố tụng tới đây cần có đánh giá toàn diện, khách quan tất cả các vấn đề liên quan đến vụ án để tránh không bỏ lọt tội phạm, đồng thời không buộc tội oan người vô tội.

Ông Phùng Anh Lê khi còn công tác tại Công an TP Hà Nội.

Ông Phùng Anh Lê khi còn công tác tại Công an TP Hà Nội.

Bản cáo trạng buộc tội Nhận hối lộ có gì?

Trước đó, ông Phùng Anh Lê- cựu Trưởng công an quận Tây Hồ, Hà Nội bị khởi tố bắt tạm giam về hành vi  "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”.

Tuy nhiên, mới đây Viện KSND Tối cao có cáo trạng truy tố ông Phùng Anh Lê, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ- Hà Nội về tội “Nhận hối lộ”.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao (cáo trạng số 1518/CT-VKSTC-V6) thì: Tháng 9/2016, Nguyễn Hữu Tài đầu thú hành vi cùng đồng phạm bắt, đánh một người nợ tiền mình.

Tài bị ra lệnh tạm giữ 4 ngày nhưng gia đình của Tài đã tìm gặp ông Phùng Văn Bảy (người quen ông Phùng Anh Lê) nhờ "giúp đỡ".

Ông Bảy đặt vấn đề và được ông Lê đồng ý thả Tài với điều kiện đưa mình 110 triệu đồng.

Tối 22/9/2016, ông Bảy tới phòng làm việc của ông Lê, giao tiền và nói: “Cháu xem giúp hòa giải cho nó về”.

Nhận tiền xong, ông Lê chỉ đạo Nguyễn Đức Châu, nguyên Đội trưởng hình sự, chỉ đạo Lê Đình Trung, nguyên Phó đội thi hành án hình sự, giao Tài cho Vũ Công Ngọc, Phó đội hình sự.

Tài được thả vào khoảng 0h ngày 23/9/2016. Sau đó, Tài và nạn nhân bị anh ta bắt giữ được gọi lên Công an quận Tây Hồ để “hòa giải”.

6 năm sau (năm 2021), Công an TP Hà Nội “đột nhiên” phát hiện hành vi phạm tội của Tài chưa bị xử lý nên khởi tố; tòa án sau đó phạt Tài 24 tháng tù.

Lúc này, ông Phùng Anh Lê (đã chuyển công tác lên vị trí Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, CA TP. Hà Nội) bị khởi tố, điều tra với cáo buộc thả người vi phạm trái pháp luật.

VKSND Tối cao đánh giá: Bị can Lê là Trưởng Công an quận, Thủ trưởng Cơ quan điều tra nên biết rõ Nguyễn Hữu Tài đang bị tạm giữ để phục vụ cho việc kiểm tra xác minh thông tin tội phạm. Tuy nhiên, khi được ông Phùng Văn Bảy đặt vấn đề, Lê đã “lợi dụng chức vụ quyền hạn”, yêu cầu đưa 110 triệu đồng rồi chỉ đạo cấp dưới thả người.

Cáo trạng xác định, người chủ động khai ra hành vi nhận tiền, thả người của Phùng Anh Lê là ông Phùng Văn Bảy. Theo đó, "ông Bảy đã thành khẩn, chủ động tự khai ra nội dung đưa tiền cho Lê để giúp đỡ Tài...", cáo trạng nêu. 

Ông Phùng Anh Lê cũng được xác định trong quá trình điều tra đã: “không thừa nhận việc chiếm hưởng 110 triệu đồng, không chỉ đạo cấp dưới thả người vi  phạm trái pháp luật”, ông Lê khẳng định ông bị khởi tố oan.

Các bị cáo liên quan đến vụ án bắt giữ người trên địa bàn quận Tây Hồ xảy ra từ năm 2016 được đưa ra xét xử vào 2021.

Các bị cáo liên quan đến vụ án bắt giữ người trên địa bàn quận Tây Hồ xảy ra từ năm 2016 được đưa ra xét xử vào 2021.

Chứng cứ buộc tội yếu

Toàn bộ quá trình điều tra, CQĐT- VKSNDTC đã chứng minh và kết luận ông Phùng Anh Lê không phạm tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành”.

Tuy nhiên, kết luận điều tra bổ sung số 04/BKL-VKSNDTC-C1(p3) ngày 02/04/2022 thì Cơ quan điều tra- VKSNDTC lại vẫn xác định ông Lê là “chủ mưu, chỉ đạo cấp dưới tha trái pháp luật đối với  Nguyễn HữuTài.

Nội dung bản cáo trạng của VKSNDTC không có chi tiết nào thể hiện việc ông Lê chỉ đạo bằng văn bản, bút tích… đối với cấp dưới trong việc thả Nguyễn Hữu Tài.

Căn cứ duy nhất mà bản Cáo trạng nêu lại chỉ là lời khai của các bị can khác (cấp dưới của ông Lê ) rằng ông Lê có “chỉ đạo miệng”.

Theo các chuyên gia pháp lý khi được hỏi thì: Theo quy định pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, lời khai chỉ được coi là chứng cứ khi phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

"Chứng cứ khác” ở đây phải là bút tích, văn bản chỉ đạo… của ông Lê nhưng trong vụ án này, ngoài lời khai một chiều của bị can khác, CQĐT- VKSNDTC đã không tìm thấy bất cứ tài liệu nào thể hiện ông Lê biết và chỉ đạo thả Nguyễn Hữu Tài.

Truy tố tội Nhận hối lộ, đã đủ căn cứ pháp lý?

Ngày 15/03/2022, CQĐT-VKSNDTC ra Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 02/QĐVKSTC-C1 (p3) từ tội Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội  sang tội Nhận hối lộ.

Cáo trạng quy kết: Sau khi Nguyễn Hữu Tài bị tạm giữ tại nhà tạm giữ của Công an quận Tây Hồ thì khoảng 21h30 ngày 22/09/2016 tại khu vực vỉa hè đối diện trụ sở Công an quận Tây Hồ, chị Nguyễn Thu Hiền, ông Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Văn Thắng đưa bọc tiền 103 triệu đồng cho ông Phùng Văn Bảy.

Ông Bảy bỏ thêm 07 triệu đồng rồi cầm bọc tiền 110 triệu đồng, một mình lên phòng làm việc của ông Phùng Anh Lê tại trụ sở Công an quận Tây Hồ.

Ông Bảy đã đưa cho ông Lê 110 triệu đồng để sắp xếp cho Nguyễn Hữu Tài hòa giải với người bị hại. Sau khi nhận tiền, ông Lê chỉ đạo cấp dưới mang hồ sơ báo cáo và chỉ đạo cấp dưới thả Nguyễn Hữu Tài trái pháp luật.

Được biết, xuyên suốt quá trình CQĐT điều tra vụ án này, ông Phùng Anh Lê luôn khẳng định không biết, không chỉ đạo cấp dưới thả Nguyễn Hữu Tài, không nhận đồng tiền nào từ ông Phùng Văn Bảy.

Toàn bộ nội dung trong bản KLĐT và cáo trạng của VKSNDTC cho thấy ngoài lời khai duy nhất của ông Phùng Văn Bảy, cáo trạng đã không đưa ra được căn cứ nào khác nhưng vẫn quy buộc ông Phùng Anh Lê vào tội Nhận hối lộ.

Theo nhận định của chuyên gia pháp lý thì cáo trạng của VKSNDTC đã trái với nguyên tắc suy đoán vô tội và trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.

Đối với lời khai của ông Thắng, ông Hà bà Hiền khai ông Bảy đã cẩm 103 triệu đồng tại quán nước đối diện trụ sở Công an quận Tây Hồ rồi một mình ông Bảy đi vào Công an quận Tây Hồ.

Do đó, lời khai của các ông bà nêu trên đủ căn cứ chứng minh ông Bảy cầm tiền và một mình đi vào trụ sở Công an quận Tây hồ. Sau đó ông Bảy gặp ai, làm gì, có đưa tiền cho ai không? Vấn đề này không ai biết, không ai chứng kiến.

Như vậy việc bản cáo trạng lấy lời khai của các ông bà Thắng, Hà, Hiền dùng làm căn cứ buộc tội ông Phùng Anh Lê nhận 110 triệu đồng của ông Bảy là chưa vững chắc pháp lý về chứng cứ.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 87 Bộ luật TTHS 2015 thì “nguồn chứng cứ” gồm: Vật chứng, lời khai, lời trình bày, dữ liệu điện tử…các tài liệu, đồ vật khác. Đối chiếu với vụ án này thì vật chứng là “tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh phạm tội và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án” đã không thu thập được.

Về lời khai, lời trình bày thì chỉ có lời khai duy nhất của ông Phùng Văn Bảy, người được cho là gặp trực tiếp đưa tiền cho ông Phùng Anh Lê. Ngoài ra các nguồn chứng cứ khác đều không thu thập được hoặc không có.

Với những uẩn khúc đã nêu, dư luận cho rằng các cơ quan tố tụng cần làm rõ lý do vì sao CQĐT của VKSNDTC lại phải chuyển tội danh đối với ông Phùng Anh Lê từ tội Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù sang tội Nhận hối lộ?

Việc truy tố ông Phùng Anh Lê với tội danh “nhận hối lộ” đã đủ căn cứ pháp lý hay chưa? Những khúc mắc này đang là câu hỏi cần được cơ quan tố tụng tới đây có đánh giá toàn diện, khách quan tất cả các vấn đề liên quan đến vụ án để tránh không bỏ lọt tội phạm, đồng thời không buộc tội oan người vô tội.