Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đã chi hơn 13.000 tỷ đồng hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Bộ NN&PTNT vừa đưa ra số liệu thống kê tổng kinh phí ngân sách Trung ương (do Bộ Tài chính cấp), ngân sách địa phương và kinh phí được các ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tính đến tháng 5/2020 khoảng 13.248,61 tỷ đồng.

Tính đến nay, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ người chăn nuôi lợn tại 63 tỉnh, thành phố cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ 606 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 163,61 tỷ đồng dư nợ; cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh dư nợ 479 tỷ đồng.

Đã chi hơn 13 nghìn tỷ đồng hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 1.

Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Những đối tượng được hỗ trợ là: Người chăn nuôi, hộ chăn nuôi nông hộ, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Mức hỗ trợ như sau: Lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi; đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 35.000 đồng/kg lợn hơi.

Đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ 10.000 đồng/kg lợn hơi; đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 12.000 đồng/kg lợn hơi.

Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).

Đối với mức hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, hiện có 3 nhóm. Nhóm 1: Người hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước không được nhận thêm hỗ trợ nếu thực hiện nhiệm vụ trong giờ hành chính, nhưng cần được hỗ trợ khi làm việc ngoài giờ hành chính, làm việc vào ngày nghỉ, lễ, tết.

Nhóm 2: Người được hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước (ví dụ nhân viên thú y cấp xã được hưởng phụ cấp từ 0,4 đến 1,0 của hệ số lương cơ bản).

Tuy nhiên, hiện nay số lượng nhân viên thú y cấp xã, cấp huyện đã giảm hơn 60% so với các năm trước do thực hiện việc sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp huyện, giảm số lượng người được hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước.

Nhóm 3: Người không được hưởng lương, không được hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước.

Bộ NN&PTNT đồng quan điểm với Bộ Tài chính đối với trường hợp cần tăng tính chủ động của địa phương trong việc triển khai hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định 13 định mức hỗ trợ phù hợp cho lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, có thể cao hơn quy định; ngân sách địa phương bảo đảm phần kinh phí tăng thêm này.

Qua tổng hợp báo cáo nhanh của các địa phương, với nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, nguồn lực của địa phương, các tỉnh, thành phố đã khẩn trương thực hiện chi trả hỗ trợ các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tính đến ngày 31/5/2020, tổng số kinh phí đã chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là trên 12.000 tỷ đồng, bằng khoảng 98% nhu cầu kinh phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kinh phí tiêu hủy lợn mắc bệnh, hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Kết thúc năm 2019, trên cơ sở đề nghị của các địa phương, căn cứ quy định của pháp luật, Bộ Tài chính đã bổ sung có mục tiêu từ dự phòng ngân sách Trung ương cho 53 địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi năm 2019 là 4.970 tỷ đồng.

Trong năm 2020 (tính đến 31/5/2020), Bộ Tài chính đã bổ sung thêm từ ngân sách Trung ương cho các địa phương là 489 tỷ đồng.

Tổng kinh phí Trung ương đã xuất cấp hỗ trợ 56 tỉnh, thành phố từ năm 2019 đến hết tháng 5/2020 là 5.459 tỷ đồng, tương đương khoảng 72% số kinh phí ngân sách Trung ương dự kiến phải hỗ trợ địa phương.

Hiện nay, còn lại khoảng 2.100 tỷ đồng ngân sách Trung ương phải hỗ trợ; tuy nhiên các địa phương phải có báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước), Bộ Tài chính sẽ xem xét, hỗ trợ theo quy định.