Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền về Quỹ Bảo hiểm TNLĐ - BNN

(Dân sinh) - Với hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động (NLĐ), hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiết kiệm chi phí, góp phần đảm bảo an toàn, trật tự, phát triển xã hội.

Cần đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền về Quỹ Bảo hiểm TNLĐ - BNN - Ảnh 1.

Cần tăng cường tuyên truyền về Quỹ TNLĐ - BNN cho người lao động và chủ sử dụng lao động để mọi người thấy lợi ích và quyền lơi khi tham gia

Mục đích chính của Luật ATVSLĐ là mở rộng đối tượng sang cả khu vực lao động không có hợp đồng lao động, chuyển mạnh từ bị động giải quyết hậu quả sang chủ động phòng ngừa, giảm thiểu TNLĐ, BNN. Đây là hoạt động rất quan trọng trong phòng ngừa TNLĐ, BNN. Biết bảo vệ mình và đồng đội xung quanh, đem lại hạnh phúc cho gia đình của họ khi không may xảy ra TNLĐ, BNN. Tránh được TNLĐ, BNN là tránh mất đi sức khỏe, tính mạng; giảm chi phí, thiệt hại cho DN, đem lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình, góp phần phát huy hiệu quả của Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Nhận định của các chuyên gia, chính sách BHXH là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội ở nước ta. Trong đó, bảo hiểm TNLĐ, BNN là một thành phần, do người sử dụng lao động bắt buộc phải đóng cho NLĐ, nhằm bảo đảm hơn đời sống của những lao động khi gặp các rủi ro TNLĐ, BNN. Nhiều doanh nghiệp và NLĐ có chung nhận xét, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN có lợi và hỗ trợ tốt hơn cho NLĐ như: Giải quyết hưởng trợ cấp một lần cho NLĐ; quy định về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ khi trở lại làm việc; hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN.

Bên cạnh việc hoàn thành các quy định pháp luật về bảo hiểm, để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về bảo hiểm cho NLĐ, cần: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về bảo hiểm nhằm nâng cao ý thức của các bên trong quan hệ lao động; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bảo hiểm nhằm giải quyết nhanh chóng các thủ tục; Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ bảo hiểm ở các cấp; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động thực hiện pháp luật về bảo hiểm…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của việc thực hiện bảo hiểm đối với NLĐ là nhận thức cũng như ý thức pháp luật của cả NLĐ và người sử dụng lao động về bảo hiểm còn chưa tốt. Tình trạng trốn đóng, nợ BHXH, bảo hiểm TNLĐ, BNN còn xảy ra tại các DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn chính sách pháp luật về lao động chưa được sâu rộng và có sức lan tỏa mạnh mẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách pháp luật tại các doanh nghiệp... Đây là những hạn chế rất cần được quan tâm, khắc phục để công tác ATVSLĐ đạt kết quả tốt.

Trước đây, các nội dung của bảo hiểm TNLĐ, BNN nằm trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, do chỉ thực hiện những chế độ trợ cấp TNLĐ, BNN sau khi NLĐ đã điều trị ổn định thương tật, còn việc chi trả các chế độ trợ cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình, trợ cấp phục vụ, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật hầu như rất ít; chưa có cơ chế tái đầu tư để phòng ngừa TNLĐ, BNN… nên chưa hỗ trợ hiệu quả trong việc chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp khi xảy ra TNLĐ. Chính vì vậy, không ít doanh nghiệp đã "né" đóng bảo hiểm cho NLĐ, và bản thân NLĐ cũng không "mặn mà" với việc tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Vì vậy, muốn thực hiện công tác bảo hiểm cho NLĐ được hiệu quả thì việc tác động vào ý thức pháp luật và nhận thức của các chủ thể tham gia bảo hiểm là một biện pháp quan trọng. Tuy nhiên, hiện các hình thức tuyên truyền về bảo hiểm còn đơn giản, chưa thu hút được sự quan tâm của NLĐ và người sử dụng lao động dẫn đến đối tượng tham gia bảo hiểm còn thấp so với thực tế; tính chủ động trong công tác tuyên truyền chưa cao, chưa theo dõi, nắm bắt kịp thời dư luận xã hội cũng như những phản ứng trái chiều của NLĐ liên quan đến chính sách bảo hiểm để tuyên truyền một cách kịp thời. Một số cơ quan, tổ chức còn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm nên công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm ở một số địa phương còn chậm thực hiện.

Để đạt được hiệu quả tối đa nhằm tăng cường ý thức pháp luật của người dân về việc tham gia bảo hiểm, cần phải đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Tổ chức xây dựng các chương trình tìm hiểu về bảo hiểm, triển khai các chính sách về bảo hiểm tới các đơn vị sử dụng lao động và nhân dân thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Bên cạnh đó, cán bộ của cơ quan bảo hiểm cần phải nắm rõ các chế độ chính sách để tuyên truyền, tập huấn, trao đổi trực tiếp để các đơn vị sử dụng lao động, NLĐ nhận thức đúng về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo hiểm, phòng ngừa tình trạng NLĐ do thiếu hiểu biết mà bị các DN lợi dụng.