Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đà Nẵng: Cung ứng lương thực, thực phẩm, mặt hàng thiết yếu trong các tình huống phòng, chống dịch COVID-19

Sở Công thương TP Đà Nẵng vừa ban hành Phương án cung ứng lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu trong các tình huống phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, áp dụng trong phạm vi cấp độ dịch theo quy mô quận, huyện.

Phương án cung ứng lương thực, thực phẩm, mặt hàng thiết yếu trong các tình huống phòng, chống dịch COVID-19.

Phương án cung ứng lương thực, thực phẩm, mặt hàng thiết yếu trong các tình huống phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, trong điều kiện bình thường, đơn vị cung ứng, phân phối được phép hoạt động gồm: chợ truyền thống, chợ đầu mối; Trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini); siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng lương thực, thực phẩm; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại khác.

Các đơn vị cung ứng, phân phối phải có phương án/kế hoạch hoạt động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong lĩnh vực hoạt động; có kế hoạch, phương án dự trữ hàng hóa, chuẩn bị các điều kiện để cung ứng, phân phối hàng hóa trong các tình huống phòng, chống dịch.

Sở Công Thương đề nghị UBND các quận, huyện xây dựng, triển khai Phương án cung ứng hàng hóa trên địa bàn quận, huyện theo các tình huống phòng, chống dịch; chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý việc thực hiện các quy định về công tác phòng chống dịch đối với các đơn vị cung ứng, phân phối; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp tập trung buôn bán trên các tuyến đường, khu vực xung quanh các chợ thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn phòng, chống dịch.

Cục Quản lý thị trường, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, an toàn thực phẩm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá đột biến, kinh doanh hàng hoá không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong điều kiện nguy cơ cao (cấp 3), đơn vị cung ứng, phân phối được phép hoạt động gồm các đơn vị như trong điều kiện bình thường nhưng bổ sung một số điều kiện. Cụ thể, chợ truyền thống, bao gồm cả khu vực bán lẻ nằm trong chợ đầu mối, chỉ được phép bán mang về đối với hàng ăn uống, không phục vụ tại chỗ; chỉ bố trí luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng/quầy hàng, có vách ngăn giữa người bán và người mua và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối phục vụ tối đa 20 người cùng một thời điểm, đảm bảo giãn cách 2 mét giữa người với người.

Sở Công thương theo dõi sát tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn; trường hợp cần thiết làm việc với Sở Công thương các tỉnh, thành để bổ sung nguồn hàng cho thành phố; hướng dẫn các đơn vị cung ứng, phân phối hoạt động thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Phối hợp với UBND các quận, huyện chuẩn bị các điểm bán hàng cố định, lưu động (địa điểm, đơn vị thực hiện) để tổ chức bán hàng khi cần.

UBND các quận, huyện tiếp tục theo dõi sát tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn để có hướng xử lý phù hợp; chuẩn bị các điểm bán hàng cố định và lưu động. Các đơn vị cung ứng, phân phối hàng hóa có trách nhiệm thường xuyên rà soát nguồn hàng, theo dõi thị trường để có kế hoạch bổ sung nguồn hàng nhanh chóng, kịp thời; tăng cường ứng dụng các giải pháp bán hàng online, qua điện thoại… để tạo thuận lợi cho người dân đặt mua hàng hóa tại nhà, giảm tập trung đông người tại khu vực mua bán.

Trong điều kiện nguy cơ rất cao (cấp 4), đơn vị cung ứng, phân phối được phép hoạt động gồm những đơn vị được phép hoạt động trong điều kiện nguy cơ cao - cấp 3, và các điểm bán hàng cố định, lưu động.

Ngoài các yêu cầu về điều kiện hoạt động như cấp độ 3, các chợ truyền thống, bao gồm cả khu vực bán lẻ nằm trong chợ đầu mối chỉ được phép bán mang về đối với hàng ăn uống, không phục vụ tại chỗ; chỉ bố trí luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng/quầy hàng, có vách ngăn giữa người bán và người mua và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối (trừ khu vực bán lẻ) phục vụ tối đa 10 người cùng một thời điểm, đảm bảo giãn cách 2 mét giữa người với người; người tham gia hoạt động phải có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 trong 72 giờ.

UBND các quận, huyện theo dõi sát tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn để có hướng xử lý phù hợp; chủ trì tổ chức đảm bảo cung ứng, phân phối hàng hóa cho nhân dân các phường, xã thuộc phạm vi quản lý. Tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động trên địa bàn (địa điểm, đơn vị thực hiện) khi cần; phối hợp phân phối hàng cứu trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo... theo chỉ đạo của UBND thành phố; chỉ đạo Tổ Covid cộng đồng hỗ trợ người dân trong việc mua hàng hoá khi cần.