Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đà Nẵng gần 330 tỷ đồng hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho gia đình người có công cách mạng

Từ năm 2014 đến nay, bằng nhiều nguồn kinh phí, TP Đà Nẵng đã triển khai hỗ trợ sửa chữa, xây mới 10.491 nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng, với tổng kinh phí hơn 329 tỷ đồng.

Chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở đã góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt của các gia đình chính sách trên địa bàn thành phố.

Chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở đã góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt của các gia đình chính sách trên địa bàn thành phố.

Tại Hội nghị tổng kết chương trình hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014 – 2022, Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết, từ năm 2014 đến nay, thành phố đã triển khai hỗ trợ sửa chữa, xây mới 10.491 nhà (sửa chữa 7.980 nhà, xây mới 2.511 nhà), với tổng kinh phí trên 329 tỷ đồng, trong đó nhóm thân nhân của liệt sĩ được thụ hưởng trên 4.000 hộ chiếm tỷ lệ 38,12%.

Trong tổng số kinh phí trên 329 tỷ đồng, Trung ương hỗ trợ hơn 83 tỷ đồng; ngân sách thành phố trên 124 tỷ đồng; còn lại là huy động từ quận, huyện; mặt trận, hội đoàn thể và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, ngoài mức hỗ trợ theo quy định của Trung ương với mức xây mới là 40 triệu đồng, sửa chữa là 20 triệu, TP Đà Nẵng đã hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/hộ đối với nhà xây mới; tối đa 10 triệu đồng/hộ đối với trường hợp sửa chữa nhà ở.  

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết, kết quả sửa chữa, xây mới nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố từ năm 2014 - 2022 đạt, vượt so với kế hoạch đề ra. Chất lượng các công trình đều đảm bảo 3 cứng “cứng nền, cứng tường, cứng mái” đã thực sự cải thiện điều kiện sinh hoạt của các gia đình, chống chịu được bão, lũ...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, trong những năm qua, thành phố luôn quan tâm thực hiện tốt các chương trình an sinh, phúc lợi xã hội, chăm lo chu đáo đời sống gia đình người có công cách mạng. Cùng với các chính sách ưu đãi của Trung ương, thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ đối với gia đình chính sách, góp phần nâng cao mức sống lên bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với người dân nơi cư trú. 

Thành phố Đà Nẵng hiện có trên 100 nghìn người có công được xác nhận theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có gần 18.000 liệt sĩ với hơn 28.000 thân nhân; hơn 10.000 thương, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh; 3.367 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện còn sống 105 Mẹ); gần 19.000 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến hưởng trợ cấp 1 lần...

Nhiều năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” và ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa… luôn là các phong trào nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng và đều khắp trên địa bàn thành phố. Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả như nhận phụng dưỡng và chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thăm hỏi các gia đình chính sách, thăm chiến trường xưa, tìm địa chỉ đỏ, tổ chức gặp mặt cán bộ ngành là thương binh, cựu chiến binh, gặp mặt con em gia đình thương binh liệt sĩ nhân dịp 27/7… các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia, có trách nhiệm thể hiện sự quan tâm đối với công tác người có công, thể hiện lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh.

Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết, năm 2022 dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và quyết tâm thực hiện mục tiêu “Bảo đảm tất cả người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao mức trung bình ở khu dân cư”, trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công cách mạng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện và sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý người có công, đồng bộ và thống nhất từ thành phố xuống phường, xã.

Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh, tham mưu sửa đổi bổ sung kịp thời các nghị quyết đặc thù của Hội đồng nhân dân phù hợp nhu cầu thực tế đời sống người có công và đảm bảo căn cứ pháp lý theo quy định của Pháp lệnh mới đề ra. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong hoạt động thẩm định hồ sơ công nhận người có công, rà soát đầy đủ đảm bảo thông tin chuẩn xác từ các ngành, địa phương, đặc biệt là hồ sơ gốc lưu trữ; xem xét hoàn thiện quy trình công nhận người có công và giải quyết chính sách cho người có công và thân nhân theo quy định của Pháp lệnh hiện hành.

Đồng thời, tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách phù hợp đảm bảo các nguồn chi chính sách người có công theo quy định, tập trung đẩy mạnh đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công, góp phần thực hiện mục tiêu chung là kết nối nguồn lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, góp phần giữ trọn vẹn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.