Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 75.000 nhân lực công nghệ thông tin

Thành phố phấn đấu đưa tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% vào năm 2025; đưa số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt mức 3 doanh nghiệp/1.000 dân và có ít nhất 75.000 nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động phát triển kinh tế số...

Thành phố Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 75.000 nhân lực công nghệ thông tin.

Thành phố Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 75.000 nhân lực công nghệ thông tin.

Đây là mục tiêu Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025 vừa được UBND TP Đà Nẵng ban hành.

Theo Kế hoạch, TP Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp, chất lượng cao, đảm bảo đủ nhân lực và xem như là một lợi thế đặc biệt quan trọng của thành phố trong thu hút đầu tư, nguồn lực phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ số và nền kinh tế số thành phố, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số); xây dựng thành phố thông minh, đủ năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Cụ thể, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu phát triển nền kinh tế số đóng góp tối thiểu 20% GRDP thành phố, trong đó công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông chiếm tối thiểu 10% GRDP thành phố vào năm 2025. Phấn đấu đưa tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% vào năm 2025. Hỗ trợ khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp công nghệ. Đưa số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt mức 3 doanh nghiệp/1.000 dân. Ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm hoặc nộp ngân sách trên 100 tỷ đồng/năm vào năm 2025. Ít nhất 75.000 nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động phát triển kinh tế số.

Thành phố cũng phấn đấu 100% cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước của thành phố hằng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số và công nghệ số, an toàn thông tin. 100% cán bộ chuyên trách, phụ trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số của thành phố hằng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức về công nghệ số, an toàn thông tin; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.

Đồng thời, 90% người dân trong độ tuổi lao động biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yểu khác trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng...

50% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số; 80% các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có các chương trình hàng năm tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số, công nghệ số, các kỹ năng số cơ bản và các nguy cơ, kỹ năng cần thiết để tương tác lành mạnh, an toàn trên không gian mạng. Triển khai thí điểm mô hình “Giáo dục đại học số” tại Trường Đại học Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Hàn...