Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đà Nẵng tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho hơn 800 người

(Dân sinh) - Để thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy, thời gian qua, TP Đà Nẵng đã dành nhiều nguồn lực vừa tổ chức cai nghiện tại cơ sở cai nghiện tập trung vừa tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Trong đó, đã có hơn 800 trường hợp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Mô hình can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy của TP Đà Nẵng đã góp phần can thiệp sớm, hỗ trợ, giúp đỡ những người có nguy cơ cao về sử dụng ma túy, nghiện ma túy; hạn chế được tình trạng gia tăng người nghiện mới.

Mô hình can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy ở TP Đà Nẵng đã góp phần can thiệp sớm, hỗ trợ, giúp đỡ những người có nguy cơ cao về sử dụng ma túy, nghiện ma túy; hạn chế được tình trạng gia tăng người nghiện mới.

Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, từ tháng 9/2014, TP Đà Nẵng bắt đầu tổ chức triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng với 2 hình thức: cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. 56/56 xã, phường trên địa bàn thành phố đều thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy để thực hiện việc tiếp nhận, lập hồ sơ, tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và phân công thành viên theo dõi, quản lý, đánh giá định kỳ.

Với thời gian cai nghiện từ 3 đến 6 tháng, để tổ chức tốt công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng, thời gian qua, TP Đà Nẵng đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực cho các đơn vị, Trung tâm Y tế quận, huyện phục vụ cắt cơn giải độc cho các đối tượng. Đặc biệt, thành phố còn có chính sách hỗ trợ chi phí khám sức khỏe, xét nghiệm phát hiện chất ma túy, các xét nghiệm khác và tiền thuốc cắt cơn nghiện cho người cai nghiện.

Đặc biệt, với sự quan tâm tổ chức cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, số lượt người đăng ký cai nghiện theo mô hình này trên địa bàn thành phố đã gia tăng đáng kể. Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, đến nay thành phố có 841 người thực hiện cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng. Trong đó, có 414/841 người cai nghiện tự nguyện (đạt tỷ lệ 49,2%); có 427/841 người cai nghiện bắt buộc (chiếm tỷ lệ 50,8%). Số người hoàn thành chương trình cai nghiện với thời gian 3 tháng là 678/841 người, đạt tỷ lệ 80,6%; số người tái nghiện trong thời gian cai nghiện: 163/841 người, chiếm tỷ lệ 19,4%. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố cũng đã tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 56 người (2 người được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình cai nghiện, 9 người tái nghiện đưa đi cai nghiện tập trung tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng). Hiện nay, 45 người đang cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, trong đó có 32 người có việc làm, chiếm tỷ lệ 71,1%.

Không chỉ thực hiện đúng quy trình, tại một số địa phương làm tốt công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng như phường Tam Thuận, Hòa Minh, Hòa Hải, xã Hoà Tiến…, khâu lập hồ sơ, thủ tục áp dụng các  biện pháp cai nghiện còn được địa phương làm khá kỹ và đầy đủ. Cụ thể, theo những người làm công tác này, trước khi lập hồ sơ, họ còn tư vấn cho bản thân người nghiện cũng như gia đình của họ về quy trình, quá trình cai nghiện… để từ đó gia đình và địa phương có được sự hợp tác tốt nhất.

Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng, bên cạnh việc tổ chức tốt công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, trong công tác phòng, chống ma túy, việc hạn chế người sử dụng, người nghiện ma túy mới có ý nghĩa rất quan trọng. Đây cũng là lý do thời gian qua, TP Đà Nẵng đã đưa vào thực hiện thí điểm nhiều mô hình dự phòng nghiện, tái nghiện ma túy, ở đó tùy vào điều kiện của các địa phương, thực hiện lồng ghép trong phong trào "Toàn dân phòng chống tội phạm", "Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị" với đối tượng của mô hình hướng đến là những người có nguy cơ cao về sử dụng ma túy; người mới sử dụng trái phép các chất ma túy; người đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Các mô hình này đã có tác động tích cực đến các địa phương triển khai, góp phần hạn chế tình trạng gia tăng người nghiện mới trên địa bàn thành phố. Có thể kể đến như mô hình cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên mới sử dụng trái phép chất ma túy do Hội Cựu chiến binh thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và Thành Đoàn thực hiện; mô hình can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy,…

Trong đó, mô hình can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy được đánh giá mang lại hiệu quả, đã góp phần can thiệp sớm, hỗ trợ, giúp đỡ những người có nguy cơ cao về sử dụng ma túy, nghiện ma túy, hạn chế được tình trạng gia tăng người sử dụng, người nghiện mới. Được triển khai thí điểm từ năm 2016, đến nay qua 4 năm thực hiện, mô hình đã được triển khai tại 6 phường trọng điểm về ma túy trên địa bàn thành phố, thu hút hơn 720 lượt đối tượng tham gia với nhiều hoạt động như: hỗ trợ học nghề, học văn hóa, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, khó khăn đột xuất, giới thiệu việc làm,... Hàng trăm lượt người được đánh giá tiến bộ thông qua mô hình này.

Ngoài ra, từ năm 2019, TP Đà Nẵng còn triển khai thí điểm thực hiện mô hình hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy tại 2 quận Hải Châu và Thanh Khê cũng đã tạo điều kiện để người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy sớm được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tư vấn, điều trị nghiện ma túy, kết nối với các dịch vụ hỗ trợ xã hội khác như: y tế, học nghề, giải quyết việc làm, tư vấn pháp lý.

Để đa dạng các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện, theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng, thành phố cũng cho phép Cơ sở xã hội Bầu Bàng thực hiện tiếp nhận người cai nghiện ma túy tự nguyện; đồng thời giao Cơ sở xã hội Bầu Bàng tiếp nhận, quản lý, cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian chờ quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Thành phố cũng ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục cho công tác quản lý, điều trị nghiện, sinh hoạt, học tập, rèn luyện cho người nghiện, với kinh phí 144,451 tỷ đồng; hỗ trợ đảm bảo 100% chi phí cho người cai nghiện bắt buộc và người cai nghiện tự nguyện; trợ cấp đặc thù cho cán bộ làm việc tại Cơ sở cao hơn quy định trung ương để giúp họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, quy trình cai nghiện được triển khai thực hiện đồng bộ và chặt chẽ từ việc tiếp nhận, phân loại, cắt cơn giải độc, giáo dục hành vi, nhân cách, dạy văn hóa, dạy nghề lao động sản xuất; rèn luyện kỹ năng sống cho người cai nghiện, nhất là kỹ năng từ chối ma túy để chuẩn bị hòa nhập cộng đồng. Đến nay, Cơ sở đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho hơn 600 học viên, (trong đó, có 110 người ngoài thành phố, 248 người không có nơi cư trú ổn định, còn lại là người đã có quyết định cai nghiện).

Với vị trí địa lý là đầu mối giao thông của cả nước, khu vực miền Trung -Tây Nguyên, cùng với quá trình phát triển nhanh chóng về đô thị, kinh tế, văn hóa, xã hội, Đà Nẵng cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội phức tạp, trong đó có vấn đề về ma túy. Theo dự báo của các ngành chức năng, số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố trong thời gian tới sẽ có xu hướng tăng và trẻ hóa.

Theo đó, với những cách làm được đánh giá hiệu quả, phù hợp, giai đoạn 2021 – 2025, TP Đà Nẵng phấn đấu sẽ kiềm chế sự gia tăng người sử dụng ma túy, giảm người nghiện mới so với giai đoạn 2016- 2020; 100% người sử dụng, người nghiện mới được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, điều trị nghiện phù hợp; đến năm 2025, tăng gấp đôi số người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện so với giai đoạn 2016- 2020. Đồng thời, phát triển đồng bộ hệ thống các cơ sở cai nghiện tự nguyện; cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ tư vấn tâm lý, điều trị nghiện tại cộng đồng, đáp ứng được nhu cầu của người nghiện…