Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đặc sắc văn hóa tạc tượng nhà mồ của người Tây Nguyên

Vùng đất Tây Nguyên giàu truyền thống văn hóa tâm linh dân gian, ở đó có hàng nghìn lễ hội truyền thống đặc sắc, trong đó một kho tàng tượng gỗ thường gọi tượng nhà mồ vẫn âm thầm hiện hữu trong đời sống đồng bào hàng nghìn đời nay.

Bàn tay tài hoa thổi hồn vào thớ gỗ

Tượng gỗ dân gian thường được trang trí nhà mồ trong lễ bỏ mả, được xem là một nghi lễ mang tính cộng đồng của đồng bào Tây Nguyên. Tượng nhà mồ thấm đẫm linh hồn của đời sống để sẻ chia, bầu bạn cùng người đã khuất. Bằng các dụng cụ thô sơ như rìu, rựa, đục, các nghệ nhân đã thổi hơi thở cuộc sống thường nhật vào trong từng thớ gỗ, tạo nên những mảng, khối hình học, gợi tả thần thái nhân vật. Mỗi tác phẩm mang cảm xúc, mỗi dáng vẻ khác nhau vừa ẩn chứa hồn thiêng vừa như toát lên cốt cách con người, núi rừng Tây Nguyên.

Tượng gỗ dân gian không chỉ là biểu hiện tâm linh, tín ngưỡng của “vạn vật hữu linh” mà còn phản ánh một trong những nghề thủ công độc đáo. Người đẽo tượng và thân quyến của người đã khuất muốn làm lễ bỏ mả cần phải chuẩn bị nhiều công đoạn trong đó có việc đẽo tượng nhà mồ một cách bí mật. Họ cùng nhau đẽo tượng khoảng 1 tháng trước khi diễn ra lễ bỏ mả. Sau đó, chuyển tượng đến ngôi mả làm lễ, dựng tượng, cúng bỏ mả và đoạn tuyệt với ngôi mộ, không thờ cúng nữa sau 3 năm đoạn tang. Nếu đến các nhà mồ ở Tây Nguyên ta như lạc vào mê cung của rừng tượng gỗ với nhiều hình tượng khác nhau và cách thể hiện khác nhau.

Nghệ  nhân K’sor H’Nao đang tạc tượng mẹ bồng con

Nghệ nhân K’sor H’Nao đang tạc tượng mẹ bồng con

Theo Nghệ nhân Y  Puil Arul, 80 tuổi, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk, là nghệ nhân cao tuổi cho biết, những gì chúng tôi học được là từ cha ông truyền dạy lại, người trước truyền dạy cho người sau, người già chỉ cho người trẻ chứ không qua một trường lớp nào đào tạo cả. Việc đẽo tượng là việc nghĩa tình, thường làm không công, hoặc các thầy cúng kiêm luôn việc đẽo tượng. Không ai để ý phán xét những bức tượng gỗ đẹp xấu, vô hồn hay biểu cảm, cũng rất ít bàn soạn các quan điểm về chúng. Bởi đó là việc gắn với đời sống tâm linh của nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Như vậy, tượng nhà mồ giống như hình tượng của người, của thú, của vạn vật cây cỏ mà người thân của người đã khuất để lại bầu bạn với người dưới mộ.  Như hình ảnh về sự sinh thành, thông thường hai bên của nhà mồ sẽ có một cặp tượng trai gái hoặc đang phô bày cơ quan sinh dục, hoặc đang giao hoan. Đứng bên cặp tượng này là tượng người đàn bà chửa, còn các góc rào chung quanh là tượng những hài nhi đang ngồi.

Nhà mồ Tây Nguyên được cấu thành từ hai bộ phận chính, nhà và lối rào bao quanh. Ngôi nhà bên trong vừa có nhiệm vụ che đậy cho nấm mồ phía dưới, chứa của cải người sống chia cho người chết, vừa vươn lên làm khung, làm phông cho những hình chạm khắc, hình vẽ, hình đan, cho những bộ phận trang trí rực rỡ, huyền ảo và sống động. Còn lối vào không chỉ có tác dụng ngăn thú vật mà còn là bộ phận quan trọng tạo nên giá trị thẩm mỹ cho nhà mồ. Những chiếc cột rào bằng gỗ vươn lên cao thành những tượng gỗ nhà mồ trầm tư, sinh động thấm đượm triết lý nhân văn của người Tây Nguyên . Và ở đó cũng hình hành nên những tác phẩm điêu khắc dân gian độc đáo của Tây Nguyên.

Bảo tồn khôi phục nghề tạc tượng gỗ Tây Nguyên

Việc khôi phục nghề tạc tượng gỗ Tây Nguyên thật không dễ. Nhất là hiện nay thế hệ trẻ ưu chuộng “công nghệ” hơn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian và các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ đã tác động đến tập quán đang dần bị mai một. Tượng gỗ dân gian là phải có hồn, người nghệ nhân phải biết thổi hồn vào bức tượng khiến cho những bức tượng đơn sơ, hoang dã bỗng trở nên sống động, thấm đẫm linh hồn.

Hình ảnh tượng nhà mồ

Hình ảnh tượng nhà mồ

Ngày nay, tượng gỗ Tây Nguyên không còn bó hẹp trong không gian nhà mồ nữa mà nó được xem là một cuộc trưng bày tác phẩm nghệ thuật dân gian ngoài trời để các nghệ nhân gửi gắm cảm xúc, thể hiện khả năng tư duy sáng tạo của mình, giới thiệu bản sắc dân tộc của mình đến các dân tộc anh em cùng chiêm ngưỡng. Mặt khác, những nghệ nhân tạc tượng hiếm hoi của các tộc người Ba Na, Ê Đê, Gia Rai… cũng được nghành Văn hóa mời đi ra Hà Nội, trình diễn nghệ thuật tạc tượng nhà mồ tại làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tại Bảo tàng dân tộc học… Và ở các địa danh đó, những bức tượng gỗ Tây Nguyên được phục dựng, được giới thiệu đến đông đảo công chúng và khách du lịch gần xa. Và ở những nơi đó, tượng nhà mồ không chỉ còn dành cho người đã mất, mà đã dần dần phát huy vai trò, là đường dẫn để du khách biết và tìm đến với Tây Nguyên đại ngàn hoang sơ và huyền thoại.

Theo nghệ nhân Ksor H’Nao (phòng Văn hóa Thông tin thành phố Pleiku, Gia Lai) đạt giải nhất với tác phẩm “Mẹ ôm con” năm 2015, mỗi khi trí tưởng tượng hình dung ra một tác phẩm nào đó, liền tìm nguyên liệu gỗ và miệt mài sáng tạo. Ông đã có 100 bức tượng được trưng bày tại khu du lịch Đồng Mô ( Hà Nội) và khu du lịch sinh thái Bản Đôn (Đắk Lắk). Các tác phẩm của ông không chỉ được trưng bày trong nước và còn vươn ra thế giới. Ông còn là một thầy giáo dạy nghề cho các em nhỏ, thanh niên ở các xã huyện với mong muốn duy trì và bảo tồn nghề tạc tượng này.

Tuy nhiên, gần đây nhiều tác phẩm tượng tạc ra không còn xù xì, gồ ghề, lồi lõm mà láng bóng do chịu sự chi phối giữa tác phẩm dân gian với sản phẩm mỹ nghệ nên tượng không còn có thần sắc và cảm xúc.

Hình ảnh tượng nhà  mồ

Hình ảnh tượng nhà mồ

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh-chia sẻ: “Có 3 nhóm tượng mồ tương ứng với 3 nhóm chức năng. Nhóm thứ nhất thể hiện sự tái sinh con người chủ yếu là nhóm tượng phồn thực thường được thấy nhiều trong các khu tượng nhà mồ như: mô tả hình tượng đôi nam nữ đang phô bày bộ phận sinh dục hoặc đang giao hợp, phụ nữ mang thai, một số tượng không rõ hình hài con người được gọi là kra (khỉ)… Nhóm thứ hai là loại tượng liên quan đến sự phân chia giai cấp trong xã hội, nêu bật vai trò, vị trí các tù trưởng trong làng, thể hiện sự giàu sang của con người trong một giai đoạn nào đó. Nhóm cuối thường được mô phỏng đến đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán dân làng trong đời thực. Đây là nhóm có sự biến đổi nhiều nhất trong giai đoạn hiện nay (nguồn từ báo Gia Lai).