Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng lũ lụt

Sáng 22/10, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và chỉ đạo Đại hội.

Đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng lũ lụt - Ảnh 1.

Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI có sự tham dự của 350 đại biểu, đại diện cho hơn 53.000 đảng viên trên toàn tỉnh.

Sau lễ chào cờ phiên khai mạc, Đại hội đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh cũng như đồng bào bị thiệt mạng vì bão, lũ. Đại biểu tham dự Đại hội cũng đã quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả lũ lụt.

Đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng lũ lụt - Ảnh 2.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng của mưa lũ.

Báo cáo chính trị trước Đại hội, ông Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế cho biết, cùng với cả nước, Thừa Thiên Huế đã gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, Đảng bộ, quân và nhân dân Thừa Thiên Huế đã đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Điển hình, kinh tế có mức tăng trưởng khá cao, bình quân 6,5%/năm, các chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dịch vụ và công nghiệp, trong đó du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kinh tế biển và đầm phá dần trở thành động lực phát triển.

Công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch đạt những kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, phát triển. Hoạt động liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được chú trọng. Quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được phục hồi, gìn giữ, tôn tạo, mang diện mạo của Cố đô lịch sử. Huế được công nhận là thành phố Festival của Việt Nam, thành phố văn hoá, du lịch ASEAN, hướng tới thành phố vườn, đô thị "di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường"; là trung tâm đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; hướng tới trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo. Đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân được nâng cao; tỉ lệ hộ nghèo, hệ số bất bình đẳng về thu nhập thấp hơn mức bình quân của cả nước; công tác bảo vệ môi trường được quan tâm và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Quốc phòng, an ninh được đặc biệt quan tâm, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia trên bộ, trên biển, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tăng cường, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên được nâng lên.

Đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng lũ lụt - Ảnh 3.

Đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng lũ lụt - Ảnh 4.

Đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả lũ lụt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong nhiệm kỳ qua. Đó là, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thiếu các nhân tố mới để đột phá, tốc độ tăng trưởng của tỉnh chưa cao.

Thu ngân sách chưa đảm bảo tự cân đối, cơ cấu nguồn thu thiếu bền vững. Tốc độ phát triển đô thị còn chậm, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn lực để phát triển văn hóa - xã hội còn hạn chế,…

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thừa Thiên Huế kiên định mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Thừa Thiên Huế cũng đặt ra 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cần phấn đấu; 6 chương trình trọng điểm. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh cũng đề ra 13 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp trọng tâm để thực hiện.

Đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng lũ lụt - Ảnh 5.

Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc Đại hội

Với phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển", ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Trung ương, văn kiện Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 15 trình Đại hội; trong đó, tập trung thảo luận và quyết nghị phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp có tính đột phá để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội cho nhiệm kỳ tới.

Đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng lũ lụt - Ảnh 6.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo Đại hội

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận và biểu dương những thành quả đạt được của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế trong nhiệm kỳ vừa qua. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị Thừa Thiên Huế nghiêm túc xem lại những mặt còn tồn tại, hạn chế với trách nhiệm cao.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội khẳng định, Thừa Thiên Huế luôn được Đảng và Nhà nước xác định là tỉnh có vị trí rất quan trọng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước với tư cách là một cực tăng trưởng: Là trọng điểm về quốc phòng và an ninh của quốc gia; là trung tâm văn hóa, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của miền Trung và cả nước.

Vì thế, Đảng bộ tỉnh cần tiếp tục tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 83 của Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước khi vào bên trong Đại hội, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nán lại trò chuyện, cám ơn đội ngũ báo chí đứng chân trên địa bàn Thừa Thiên Huế nói riêng, khu vực miền Trung nói chung đã nỗ lực đưa tin kịp thời diễn biến mưa lũ thời gian vừa qua

Trước khi vào bên trong Đại hội, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nán lại trò chuyện, cám ơn đội ngũ báo chí đứng chân trên địa bàn Thừa Thiên Huế nói riêng, khu vực miền Trung nói chung đã nỗ lực đưa tin kịp thời diễn biến mưa lũ thời gian vừa qua

Tỉnh cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy phát triển, nhất là tư duy về phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; tư duy về phát huy tối đa, hiệu quả các lợi thế riêng có; nhất là truyền thống, phong cách đặc trưng của "con người Huế".

Đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh.

Chú trọng phát triển bốn nhiệm vụ trung tâm Báo cáo chính trị đã đề cập, trong đó, đặc biệt quan tâm phát triển văn hoá xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá truyền thống, xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hoá đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc và bản sắc văn hoá Huế.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Công tác xây dựng Đảng phải được thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ và có chất lượng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ. Coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong tổ chức và sinh hoạt đảng nhằm tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

"Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin tưởng rằng với truyền thống đoàn kết, cách mạng, anh hùng và quyết tâm chính trị cao, có những giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội, với một Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới đủ mạnh, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế nhất định sẽ vượt qua khó khăn, thử thách, chủ động nắm bắt thuận lợi và thời cơ, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội đảng bộ Tỉnh lần thứ 16; cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng", Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.