Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đại biểu Quốc hội: Làm rõ các khái niệm “rửa tiền”, “đáng ngờ” để không bỏ lọt tội phạm

(Dân sinh) - Góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) nêu, về khái niệm “đáng ngờ”, nên mở rộng ra những đối tượng trước khi có quyết định khởi tố bị can của cơ quan pháp luật để bảo đảm không để lọt tội phạm, góp phần đấu tranh phòng, chống tệ nạn rửa tiền tốt hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghiên cứu dự thảo Luật

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghiên cứu dự thảo Luật

Cần rõ cơ sở phát lý về quan hệ giữa ngân hàng và đại lý

Góp ý vào dự thảo luận, đại biểu Lê Xuân Thân bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu đã phát biểu trước. Đối với khái niệm rửa tiền đại biểu cho rằng thực tế đấu tranh phòng, chống rửa tiền trong 10 năm qua có nhiều diễn biến, Ban soạn thảo nên cập nhật và mô tả khái niệm rửa tiền trong luật này rõ ràng hơn

Đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu Điều 324 của Bộ luật Hình sự hiện hành để có sự tương thích về khái niệm rửa tiền giữa Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Theo đại biểu, trong Bộ Luật Hình sự, khái niệm rửa tiền đã chỉ rõ khi khởi tố bị can, bị cáo và người phạm tội đã xác định và người chấp hành án (có nghĩa là có dấu hiệu rõ ràng).

Còn khái niệm “đáng ngờ”, đại biểu cho rằng nên mở rộng ra những đối tượng trước khi có quyết định khởi tố bị can của cơ quan pháp luật để bảo đảm không để lọt tội phạm, góp phần đấu tranh phòng, chống tệ nạn rửa tiền tốt hơn.

Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: Làm rõ các khái niệm “rửa tiền”, “đáng ngờ” để không bỏ lọt tội phạm.

Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: Làm rõ các khái niệm “rửa tiền”, “đáng ngờ” để không bỏ lọt tội phạm.

Góp ý về kỹ thuật lập pháp, đại biểu Lê Xuân Thân thống nhất với ý kiến đại biểu phát biểu trước, đề nghị ban soạn thảo chuyển đoạn 1 khoản 1, Điều 17: “Cá nhân người nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, là người giữ chức vụ cấp cao trong các cơ quan, tổ chức của nước ngoài và tổ chức quốc tế”, theo đại biểu, đoạn này là khái niệm nên chuyển sang phần giải thích từ ngữ.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo bỏ Điều 46 về xử lý vi phạm ở trong dự thảo vì nội dung chung chung, không cần thiết phải quy định thành 1 điều trong luật.)

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) đề nghị tiếp tục rà soát các điều khoản giải thích từ ngữ về khái niệm giao dịch điện tử, chuyển giao thông tin; vấn đề quan hệ giữa ngân hàng và đại lý; giám sát giao dịch đặc biệt…

Theo đại biểu đoàn Quảng Trị, trên thực tế, khi thiết lập quan hệ giữa tổ chức tài chính với các đối tác trong nước và nước ngoài cũng phát sinh yêu cầu về xử lý, chuyển giao thông tin nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền. Đại biểu đề nghị xem xét bổ sung điều khoản làm cơ sở pháp lý cho phép tổ chức tài chínhh được cung cấp thông tin cho các đối tác trong và ngoài nước nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nghiên cứu, lắng nghe các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nghiên cứu, lắng nghe các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật

Về quan hệ ngân hàng đại lý, trên thực tế, các ngân hàng không chỉ tương tác với nhau, mà còn với các đối tác khác, bao gồm các tổ chức chuyển tiền quốc tế, đối tác nước ngoài. Đại biểu đề nghị xem xét cần bổ sung điều khoản làm cơ sở pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ này.

Ngoài ra, liên quan đến giám sát đặc biệt một số giao dịch, đại biểu cũng đề nghị cần xem xét, bổ sung đầy đủ các trường hợp cần giám sát, đảm bảo tính chặt chẽ và khả thi của Luật.

Đồng thuận, Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị cần lưu ý để không sót, lọt giao dịch đáng ngờ.

Tập trung vào nội dung tại Điều 26 của dự thảo Luật về việc báo cáo giao dịch đáng ngờ, đại biểu Hà cho rằng, Điểm a Khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật quy định giao đối tượng báo cáo trách nhiệm phải báo cáo các giao dịch theo yêu cầu của bị can, bị cáo nói chung thì khó khả thi vì đối tượng báo cáo không thể biết hết các giao dịch theo yêu cầu của bị can, bị cáo nhất là đối với các giao dịch điện tử và các đối tượng không bị tạm giữ, tạm giam.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Đề nghị cần lưu ý để không sót, lọt giao dịch đáng ngờ.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Đề nghị cần lưu ý để không sót, lọt giao dịch đáng ngờ.

"Do đó, cân nhắc quy định này, bổ sung vào Điểm a Khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật về 3 chủ thể yêu cầu giao dịch của họ cũng bị coi là giao dịch đáng ngờ phải báo cáo gồm người bị bắt, người bị tạm giữ và người chấp hành án", đại biểu Hà nói.

Góp ý vào Điểm b Khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho biết quy định của dự thảo Luật còn một số hạn chế. Do đó, đại biểu đề nghị khi chỉnh lý nội dung này cần lưu ý để không sót lọt giao dịch đáng ngờ phải báo cáo liên quan đến tài sản của pháp nhân.

Đại biểu cũng cho rằng, nếu quy định theo hướng tất cả các giao dịch mà có tài sản liên quan đến tất cả tội phạm và đối tượng tính cả người bị bắt, bị tạm giữ, bị kết án chấp hành án đều bị coi là giao dịch đáng ngờ thì rõ ràng là mở quá rộng đến mức bất hợp lý.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chỉnh lý lại quy định này.

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Tăng cường kiểm soát giao dịch của các tội phạm tẩu tán tài sản

Góp ý về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên Huế) bày tỏ sự quan tâm đến giao dịch bằng loại tiền ảo qua hình thức online; kiểm soát giao dịch của các tội phạm tẩu tán tài sản.

Theo đại biểu Hải, ngoài giao dịch bằng tiền mặt bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được Nhà nước công nhận thì thực tế còn có các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Giao dịch trên nền tảng online đang rất phổ biến, chưa được kiểm soát và dự báo thời gian tới việc mở rộng hội nhập quốc tế, các giao dịch tiền ảo sẽ phát triển.

"Đây là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền mà chúng ta chưa lường hết được. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung tcụm từ hoặc các giao dịch khác vào sau cụm từ “ngoại tệ tiền mặt”, ông Hải nói.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu đối với khoản 1, Điều 42 của dự thảo luật quy định thời hạn Ngân hàng Nhà nước chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc xác minh, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong thời hạn 10 ngày làm việc là chưa hợp lý vì quá dài.

Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An)

Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An)

Để ngăn chặn, xử lý kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh trường hợp đối tượng hoặc tội phạm tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản, đối phó, bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu xem xét rút ngắn thời hạn này trong thời hạn còn 3 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo nghi ngờ giao dịch liên quan đến rửa tiền của đối tượng báo cáo thì sẽ phù hợp hơn với các thời hạn báo cáo, thời hạn thì họ giao dịch.

Nhấn mạnh cần tăng cường phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho biết, trong lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công các giao dịch bất động sản có thể qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát.

Đại biểu nêu rõ việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Do đó để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến, nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động.

Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương. Do đó, cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá.

Đồng thời, bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần.

Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, rửa tiền, áp dụng cho các đối tượng báo cáo là đấu giá viên, tổ chức hành nghề, đấu giá thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống rửa tiền đối với các đối tượng này.