Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đại biểu Quốc hội: Tháo gỡ thủ tục visa là chìa khoá quan trọng giúp du lịch cất cánh

(Dân sinh) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết, tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh... Ngoài ra, tháo gỡ thủ tục visa là chìa khoá quan trọng giúp du lịch cất cánh.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu thảo luận tổ

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu thảo luận tổ

Chiều nay 27/5, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Các ý kiến bày tỏ nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như trong tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về xuất nhập cảnh hiện hành góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn.

Bên cạnh đó tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

 “Chúng ta phải sửa sớm, thậm chí thời điểm này còn là hơi muộn” - Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh khi đề cập đến thu hút khách du lịch.

Đại biểu dẫn số liệu cho thấy, năm 2019 nước ta đón 19 triệu lượt khách du lịch còn Thái Lan là 25 triệu; năm 2022 chúng ta đặt mục tiêu 5 triệu nhưng chỉ đạt khoảng 60% trong khi Thái Lan đón 11 triệu và Malaysia là 9,2 triệu lượt.

Điều đó cho thấy phục hồi du lịch của Việt Nam chậm và mục tiêu 8 triệu lượt khách du lịch trong năm nay cũng là thách thức. Ngay năm 2022, Thái Lan đã có nhiều chính sách về viza, lưu trú, tạo điều kiện thủ tục online.

“Tháo gỡ thủ tục visa là chìa khoá quan trọng giúp du lịch cất cánh. Việt Nam thiên nhiên ưu đãi và các điều kiện không thua kém mà khoảng cách phát triển du lịch rất xa so với các nước xung quanh” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét.

Dự thảo luật quy định nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của luật.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng mong rằng danh sách do Chính phủ quy định chi tiết mở rộng được càng nhiều nước có thể, cả về thời hạn thị thực điện tử và thời hạn tạm trú.

Ngoài ra, vị đại biểu này đề nghị phải cải thiện hệ thống cấp thị thực điện tử vì cho dù quy định cởi mở hơn nhưng người dùng không sử dụng được thì cũng là rào cản. “Ngay tôi vào cũng khó, thường xuyên quá tải, treo, mất nhiều thời gian” – ông nói và đề nghị tạo điều kiện hơn ở các cửa khẩu đủ điều kiện.

“Cần mở rộng nhanh, nhiều giúp thu hút khách du lịch, vì khó khăn về thị thực là rào cản rất lớn” - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm.

Vị đại biểu này cũng chia sẻ, qua tiếp xúc với doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, họ phản ánh khi sang công tác gắn với dự án nhưng hết thời hạn thị thực lại phải quay về làm thủ tục gần như từ đầu để quay trở lại Việt Nam. Ông đặt vấn đề sao không kết nối, tạo điều kiện ngay tại chỗ để tạo thuận lợi, đồng thời có thể xem xét mở rộng thêm đối tượng.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc Công an TP Hà Nội, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội thảo luận tại tổ.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc Công an TP Hà Nội, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội thảo luận tại tổ.

Đại biểu Hà Phước Thắng (Đoàn TP. Hồ Chí Minh), bày tỏ, với đề nghị nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên 3 tháng nên quy định thời hạn không quá 90 ngày sẽ sát hơn vì tháng 4 không có 31 ngày.

Với quy định nâng thời gian nhập cảnh với người nước ngoài lên 45 ngày, đây là mức trung bình ở khu vực. Tuy nhiên, cử tri đánh giá Việt Nam đang đầu tư thu hút phát triển du lịch, hợp tác phát triển kinh tế...  thì để thời gian theo mức trung bình của khu vực là thấp.

Đề nghị Ban soạn thảo đánh giá lại, nếu đảm bảo được an ninh thì nên lấy mức 60-90 ngày theo mức chung của Đông Nam Á và châu Á, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hợp tác phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài thông qua xuất nhập cảnh.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc Công an TP Hà Nội, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội cho rằng, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng như Luật Công an nhân dân (sửa đổi), đều hướng đến chuyển đổi số quốc gia; cải cách hành chính; hỗ trợ phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

“Tuy nhiên, luật càng dễ, càng mở, lực lượng công an càng vất vả, quản lý càng khó khăn. Tôi mong các đại biểu thấu hiểu, chia sẻ và ủng hộ các luật do Bộ Công an soạn thảo” – Giám đốc Công an TP Hà Nội chia sẻ.

Đại biểu Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) nhất trí cao về sự cần thiết việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân; khẳng định Luật đã cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Theo đại biểu Trần Đình Chung, ở Luật hiện hành, độ tuổi phục vụ của Công an nhân dân thấp hơn nhiều so với các đối tượng khác. Do đó, việc bổ sung, sửa đổi Luật nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc và để phù hợp với thực tiễn.

Trong đó, việc tăng tuổi hưu trong lực lượng Công an nhân dân sẽ tận dụng được những kinh nghiệm, nhất là đối tượng có trình độ, nghiệp vụ cao; tận dụng được cả về trình độ, kinh nghiệm, lý luận, thực tiễn trong công tác tham mưu, phòng ngừa, xử lý; khắc phục được phần nào việc thiếu biên chế của công an các địa phương hiện nay và khắc phục được nguồn lực, sức lao động khi nghỉ hưu sớm, tránh lãng phí..