Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đắk Lắk chú trọng triển khai Công tác tuyên truyền bảo vệ trẻ em

(Dân sinh) - Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nỗ lực của các sở ban ngành, địa phương, đến nay công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tại Đắk Lắk đã đạt những kết quả tốt, trong đó công tác tuyên truyền đã mang đến cho người dân biết về bảo vệ trẻ em luôn được toàn xã hội quan tâm, được coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định lâu dài.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đắk Lắk đã tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng và thực hiện chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đẩy mạnh truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nêu gương trẻ em vượt khó, tiêu biểu, gắn với các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình và trẻ em về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Với công tác phòng ngừa được chú trọng triển khai với các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Những học sinh ở huyện Ea kar được hướng dẫn tập bơi, nhằm phòng chống đuối nước

Những học sinh ở huyện Ea kar được hướng dẫn tập bơi, nhằm phòng chống đuối nước

Cụ thể: Thực hiện truyền thông 200.000 tin nhắn với nội dung: "Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đắk Lắk khuyến cáo: Các bậc phụ huynh luôn nâng cao cảnh giác, trách nhiệm để bảo vệ trẻ em trước tai nạn đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em. Gọi ngay số điện thoại 111 (Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em) hoặc 02623.951567 để phán ánh hoặc trợ giúp khi phát hiện trẻ em bị bạo lực, xâm hại".

Thường xuyên lồng ghép các biện pháp tuyên tuyền Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và đường dây nóng 0262.3951567; bố trí 01 cán bộ trẻ em cấp huyện tham gia hệ thống cộng tác viên Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, hỗ trợ tiếng dân tộc thiểu số (tiếng Ê đê). Thực hiện treo 60 băng rôn, 300 cờ phướn tuyên truyền các khẩu hiệu và thông điệp về Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, kinh phí thực hiện: 64,97 triệu đồng. Tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 214 người là lãnh đạo, chuyên viên, cộng tác viên làm công tác trẻ em cấp huyện, cấp xã.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đắk Lắk Phối hợp với cơ quan truyền thông sản xuất và phát sóng phóng sự truyền hình, nhiều bài báo tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, tình hình trẻ em bị tai nạn thương tích.

Đối với công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em: Là một trong những hoạt động trọng tâm của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em luôn được sự quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện của các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh và UBND các cấp. Năm 2022, có 97 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 80 em tử vong do đuối nước, 06 em bị tử vong do tai nạn giao thông, 02 em tử tự và 09 em tai nạn thương tích khác. Qũy bảo trợ trẻ em tỉnh và các địa phương đã kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho thân nhân gia đình có trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, kinh phí hỗ trợ: 226 triệu đồng. Các địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phát hiện những trường hợp trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn các hành vi xâm hại có thể xảy ra và có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Đối với trẻ em bị xâm hại, sau khi có thông tin trẻ em bị xâm hại các địa phương đã thực hiện các bước theo quy định tại Chương III, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, ngày 09/5/2017 Quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em. Ttrẻ em đi lao động xa nhà, lao động trái pháp luật đã và đang phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ như trẻ em có thể bị dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật: tệ nạn ma túy, mại dâm, dễ bị bắt cóc hoặc sa vào các đường dây mua bán trẻ em. Năm 2022, có trẻ 15 trẻ em đi làm ăn xa gia đình, không có trẻ em lao động trái pháp luật.

Tại lớp học bơi tại thị Trấn Ea Kar huyện Ea Kar tỉnh Đắk Lắk

Tại lớp học bơi tại thị Trấn Ea Kar huyện Ea Kar tỉnh Đắk Lắk

Thời gian tới, các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực cho cán bộ cung cấp dịch vụ, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở thôn buôn, khu vực; tập huấn, truyền thông chuyển đổi hành vi, cung cấp kỹ năng, bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em; tập huấn, truyền thông về kỹ năng phòng, ngừa nguy cơ, tự bảo vệ cho trẻ em; tăng cường công tác phối hợp liên ngành, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trẻ em trên địa bàn. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện toàn diện quyền trẻ em; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.