Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đắk Lắk: Một số doanh nghiệp dừng bán xăng dầu

(Dân sinh) - Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại tỉnh Đắk Lắk đã đóng cửa dừng bán, các cơ quan chức năng của tỉnh đã vào cuộc kiểm tra, xác minh.

Ngày 27/5, đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk, ông Trương Văn Nhương, Cục phó Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk cho biết, Cục đã chỉ đạo các Đội quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, xác minh, tìm hiểu nguyên nhân. 

Qua xác minh, Đội Quản lý thị trường số 4 xác định trên địa bàn huyện Krông Năng có 3 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không mở cửa bán gồm: Hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Thành Thắng (xã Ea Toh, huyện Krông Năng), hệ thống cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp tư nhân Quý Điều (thị trấn Krông Năng), hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Công ty TNHH Trường Yên (xã Ea Tân, huyện Krông Năng).

Đắk Lắk: Một số doanh nghiệp dừng bán xăng dầu - Ảnh 1.

Ông Trương Văn Nhương, Cục phó Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk.

Nguyên nhân các doanh nghiệp trên không mở bán là do hết hàng, nguồn cung từ đơn vị phân phối bị đứt quãng. Đại diện các doanh nghiệp cũng cho biết, họ càng bán càng lỗ vì do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả xăng dầu liên tục thay đổi, giá nhập vào cao hơn so với giá bán ra. Trong khi đó, giá chiết khấu lại quá thấp, thậm chí bằng không nên họ phải bù lỗ phần vận chuyển, thuê mặt bằng, nhân công...

"Qua kiểm tra thực tế tại các bồn chứa, bể chứa của các đơn vị ngừng bán, lượng xăng dầu đều đã hết nên hoàn toàn không có chuyện các doanh nghiệp trên ngừng bán để đầu cơ, găm hằng chờ tăng giá để trục lợi", ông Nhương nói.

Cũng theo đại diện Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk, các doanh nghiệp phân phối đang kết nối lại nguồn cung ứng và chỉ trong ngày mai sẽ cung cấp nguồn hàng cho đơn vị bán lẻ.

Đắk Lắk: Một số doanh nghiệp dừng bán xăng dầu - Ảnh 2.

Xăng dầu Thắng Thành.

Trong số các cửa hàng bị kiểm tra có cửa hàng xăng dầu của ông Doanh nghiệp tư nhân Quý Điều (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk). Ông Lê Văn Quý, chủ doanh nghiệp này cho biết trước tình hình càng kinh doanh càng lỗ do xăng dầu lấy vào cao hơn bán ra và những bất cập trong kinh doanh xăng dầu, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản kiến nghị tập thể gửi các bộ ngành trung ương và địa phương. Tuy nhiên đến nay, các doanh nghiệp vẫn chưa nhận được phản hồi. Bên cạnh đó, ví dụ ngày 25/5, chi phí 1 lít xăng dầu về đến cửa hàng bán lẻ cao hơn giá bán quy định từ 200 đến 250 đồng. "Ngoài yếu tố khan hiếm xăng dầu, việc càng bán càng lỗ khiến doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi không đủ năng lực để kinh doanh tiếp và tạm thời đóng cửa", ông Quý nói.

Tượng tự, đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ, Sản xuất Thắng Thành cho biết, đến nay, cả 5 cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp đều đóng cửa. Chủ doanh nghiệp này cho biết ngoài vấn đề nguồn hàng hạn chế thì sáng 25/5, thương nhân phân phối thông báo chiết khấu 0 đồng đối với cả xăng và dầu. Doanh nghiệp bán lẻ phải bỏ các chi phí nhân công, điện nước, hao mòn… suốt thời gian dài dẫn đến thua lỗ nên tạm thời đóng cửa.

Đắk Lắk: Một số doanh nghiệp dừng bán xăng dầu - Ảnh 3.

Cây xăng Quý Điều.

Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương Đắk Lắk) khẳng định có 7 cửa hàng bán lẻ của 2 đơn vị tư nhân tại huyện Krông Năng ngừng bán từ mấy ngày nay. Đây là những trường hợp cá biệt, không làm ảnh hưởng đến thị trường. Các đơn vị khác vẫn cung ứng, mở bán bình thường. Để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh không thiếu hụt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu các đơn vị đầu mối phân phối, tổng đại lý bán lẻ xăng dầu chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu nhằm đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên thị trường. Chủ động nguồn cung, dự trữ xăng dầu đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, không để xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn hàng ảnh hưởng đến thị trường.

Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu không được tự ý dừng bán hàng mà không có lý do chính đáng, phải đảm bảo thời gian bán hàng như đã đăng ký với Sở Công Thương. Nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý làm ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong tỉnh; nếu dừng bán phải thông báo trước, chỉ ngừng bán khi được sự chấp thuận bằng văn bản của Sở Công Thương.

Sở Công Thương Đắk Lắk cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cửa hàng xăng dầu, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm những sai phạm về đo lường, giá, đầu cơ, tích trữ, găm hàng, ngừng bán khi chưa được cho phép. Đối với các huyện, thị xã và thành phố Buôn Ma Thuột chỉ đạo các lực lượng chức năng, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng ngừng bán mà không có lý do chính đáng gây ảnh hưởng tới thị trường và quyền lợi người tiêu dùng... 

Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 16 đơn vị làm đầu mối cung ứng xăng dầu và hơn 470 cửa hàng xăng dầu được cấp phép hoạt động.