Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đắk Lắk: Nỗ lực không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

(Dân sinh) - Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo và đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn nhằm giảm nghèo bền vững, không để hộ nghèo nào bị bỏ lại phía sau.

Điểm sáng giảm nghèo

Huyện Cư Kuin là một điểm sáng trong chương trình giảm nghèo tỉnh Đắk Lắk. Trong 5 năm qua, huyện đã đạt được những kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo. Cụ thể, năm 2016, toàn huyện có 2.263 hộ nghèo (chiếm 9,33% tổng số hộ), hộ cận nghèo 2.994 hộ (12,34%) thì đến cuối năm 2019, số hộ nghèo giảm còn 930 hộ (3,66%), cận nghèo 2.496 hộ (9,82%). Dự kiến đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 2,66%.

Xã Cư Êwi là địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Cư Kuin, dân cư đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và đồng bào từ các tỉnh phía Bắc di cư vào, được đánh giá là một trong những điểm sáng về thực hiện Chương trình giảm nghèo của huyện Cư Kuin. Để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, lãnh đạo xã đã thực hiện những giải pháp đột phá là đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, đồng thời hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong đó chú trọng phát triển các trang trại chăn nuôi. Nhờ đó, từ cuối năm 2017, địa phương đã ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn, toàn xã hiện có 1.885 hộ, nhưng chỉ còn 140 hộ nghèo, 293 hộ cận nghèo.

Đắk Lắk: Nỗ lực không để người nghèo bị bỏ lại phía sau - Ảnh 1.

Mô hình nuôi Dê

Gia đình chị Đàm Thị Kim Anh (thôn 4) thoát nghèo, vươn lên làm giàu tại địa phương. Năm 2018, chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng 200 triệu đồng, đầu tư trang trại chăn nuôi gà thả vườn quy mô 4.000 m2. Hiện trang trại này mang lại cho gia đình chị thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Gia đình anh Đặng Văn Tịnh (thôn 3). Trước đây gia đình anh chỉ trông chờ vào 2 sào đất ruộng vụ được, vụ mất nên thường xuyên nằm trong diện hộ nghèo. Năm 2010, anh vay vốn đầu tư đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc; sau khi về nước, gia đình anh xây được nhà, mua ô tô và đầu tư trang trại chăn nuôi bò, hiện có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng

Xã Cư M'Gar (huyện Cư M'Gar) 70% người dân là dân tộc thiểu số.  Hàng năm, xã ban hành kế hoạch giảm nghèo, chủ động huy động các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Gia đình ông Ma Văn Toàn, dân tộc Tày ở thôn 6 (xã Cư M'Gar, huyện Cư M'Gar) trước đây là hộ nghèo. Được xã hỗ trợ nhà ở và tạo điều kiện cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông đã đầu tư vào chăn nuôi bò, có lãi ông tiếp tục đầu tư nuôi chim bồ câu và trồng cà phê, trồng lúa. Ông Toàn chia sẻ, nhờ xã quan tâm, hỗ trợ và hướng dẫn khoa học kỹ thuật để vận dụng, nỗ lực vươn lên. Năm 2019, gia đình ông thoát nghèo; hiện có nguồn thu ổn định, mua sắm phương tiện sinh hoạt và máy móc, có điều kiện cho các con học hành đến nơi đến chốn.

Từ năm 2015 đến nay, xã đã trao tặng 100 con bò cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ xây mới 61 nhà ở theo Chương trình 167 và các nguồn từ thiện nhân đạo. Gần 1.000 hộ dân của xã được tiếp cận với các nguồn vốn vay (hơn 16 tỷ đồng) để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế... trong 5 năm, xã đã giảm 122 hộ nghèo. Hiện nay, toàn xã còn 105 hộ nghèo. Xã đã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Huyện Buôn Đôn là huyện biên giới, khó khăn với 26 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Hơn 51% là dân tộc thiểu số. Với xuất phát điểm thấp, huyện đã nỗ lực thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 41,78%; trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 65%.

Đắk Lắk: Nỗ lực không để người nghèo bị bỏ lại phía sau - Ảnh 2.

Trao bò cho hộ nghèo

Già Y Blơm Brông, buôn Knia 3, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn cho biết, là hộ nghèo, nhà già Y Blơm được hỗ trợ bò giống và tiền phối giống, được tặng quà mỗi dịp Tết đến Xuân về và vay vốn để phát triển kinh tế. Già rất vui và biết ơn Đảng, Nhà nước. Đồng thời, già Y Blơm bày tỏ sự phấn khởi với chương trình kết nghĩa giữa các sở, ngành, đơn vị với thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là chương trình hiệu quả góp phần xóa nhà tạm, hộ đói, giảm dần hộ nghèo.

Trong 5 năm (2015 – 2020) hơn 1.000 lượt hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số của huyện được tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi. Ngoài ra, các chương trình xây dựng nông thôn mới, chính sách dân tộc cũng được huyện tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho công tác giảm nghèo. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 26,78%. Đời sống người dân nâng lên, tích cực góp công, góp sức cùng nhà nước xây dựng nông thôn mới.

Dấu ấn từ công tác giảm nghèo

Giai đoạn 2016 – 2020, xã Hòa Sơn(huyện Krông Bông) được đánh giá là địa phương đi đầu ở huyện Krông Bông trong phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau". Trong công tác giảm nghèo, địa phương đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ đầu tư hạ tầng tại buôn đồng bào dân tộc thiểu số và các thôn khó khăn. Hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương, trong đó tập trung vào hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã từ hơn 32,7% (năm 2016) hiện giảm xuống còn 11%, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của toàn huyện.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu giảm nghèo huyện Krông Bông, 5 năm qua, trong lĩnh vực lao động, việc làm, huyện đã tổ chức 42 lớp đào tạo nghề may gia dụng, sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi… cho 1.470 lao động nông thôn, trong đó có 238 học viên thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Bên cạnh nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo, từ năm 2016 đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện tốt công tác cho vay vốn hỗ trợ 19.333 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, với số vốn vay hơn 419 tỷ đồng.

Với những giải pháp đồng bộ, trong giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Krông Bông giảm từ gần 39% xuống còn gần 28,4%, bình quân mỗi năm giảm hơn 2,6%, dự kiến đến cuối năm nay giảm còn gần 24%.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016 – 2020, chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đã được triển khai đúng đối tượng. Với tổng ngân sách Trung ương hơn 769 tỷ đồng và người dân đóng góp hơn 35 tỷ đồng, tỉnh đã phân bổ nguồn lực lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ vốn vay.

Đắk Lắk: Nỗ lực không để người nghèo bị bỏ lại phía sau - Ảnh 3.

Người dân cho bò đi ăn cỏ

Từ đầu năm 2016 đến nay, tỉnh đã xây mới 141 công trình, duy tu bảo dưỡng 14 công trình cơ sở hạ tầng cho các huyện nghèo; thực hiện 86 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 1.654 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Với chương trình 135, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã đầu tư xây mới và nâng cấp 1.096 công trình, duy tu bảo dưỡng 113 công trình cơ sở hạ tầng; thực hiện 553 dự án phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho hơn 11.000 hộ ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn buôn đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,87%/năm, xuống còn 4,99% năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 5%/năm. Chính sách dân tộc và công tác dân tộc được triển khai kịp thời, chú trọng giải quyết tình trạng hộ dân tộc thiểu số không có đất ở và giải quyết đất sản xuất, góp phần ổn định vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã giúp người dân tiếp cận thị trường; kỹ thuật canh tác của người nghèo được thay đổi, nhiều hộ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất sản phẩm, vươn lên thoát nghèo bền vững. Thông qua đào tạo nghề và giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập cho thanh niên dân tộc thiểu số, ổn định cuộc sống, hạn chế tệ nạn xã hội. Tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo.