Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đắk Lắk: Rừng Pơ mu ở huyện Krông Bông bị tàn phá

(Dân sinh) - Các cơ quan chức năng đang tiến hành xử lý vụ khai thác gỗ pơ mu trái pháp luật xảy ra tại địa phận quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông, đã kiểm tra hiện trường vụ phá rừng Pơ mu với 19 cây bị cưa hạ, lập hồ sơ vụ việc để xử lý theo quy định pháp luật.

Ngày 8/5, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hà Công Tài cho biết: Đơn vị vừa nhận được báo cáo của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk về vụ việc khai thác trái phép gỗ Pơ mu (thuộc nhóm IIA) xảy ra tại Tiểu khu 1219 thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông quản lý nằm trên địa bàn huyện Krông Bông.

Đắk Lắk: Rừng Pơ mu hàng trăm năm tuổi bị tàn phá - Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc. (Ảnh Tuấn Anh TTXVN)

Thời gian gần đây tại Tiểu khu 1219 thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông liên tiếp xảy ra các vụ khai thác gỗ Pơ mu trái phép với quy mô lớn, nhưng chủ rừng và các ngành chức năng của địa phương chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả cũng như chưa tìm ra đối tượng phá rừng, khiến cho rừng Pơ mu hàng trăm năm tuổi tiếp tục bị tàn phá.

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 9 đến 12/4/2020, trong quá trình tuần tra, kiểm tra, cán bộ, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông (Công ty lâm nghiệp Krông Bông), huyện Krông Bông đã phát hiện tại lô 4, khoảnh 4, Tiểu khu 1219 có một số đối tượng đang khai thác gỗ trái pháp luật, khi bị phát hiện các đối tượng đã bỏ chạy trốn vào rừng nên không bắt giữ được đối tượng nào.

Lực lượng tuần tra đã tiến hành mở rộng kiểm tra hiện trường tại các lô 8, 9, 11, 13 khoảnh 4 Tiểu khu 1219 thì phát hiện có 19 cây gỗ Pơ mu bị cưa hạ, trong đó có một cây đã bị lấy đi phần thân, ba cây đã cắt thành đoạn ngắn, 15 cây còn nguyên tại hiện trường. Qua đo đếm sơ bộ ban đầu, khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường là 37,219m3 thuộc loại rừng phòng hộ.

Đắk Lắk: Rừng Pơ mu hàng trăm năm tuổi bị tàn phá - Ảnh 2.

Gốc gỗ còn lại tại hiện trường

Ngay sau khi phát hiện vụ khai thác rừng Pơ mu trái pháp luật, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông đã ban hành quyết định trưng cầu giám định các nội dung về khối lượng, chủng loại gỗ, vị trí khai thác, loại rừng… để hoàn tất hồ sơ xử lý hoặc chuyển các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Tình trạng khai thác gỗ Pơ mu trái pháp luật quy mô lớn tại khu vực Tiểu khu 1219 do Công ty lâm nghiệp Krông Bông quản lý liên tục xảy ra và có chiều hướng gia tăng, nhưng chủ rừng cũng như các ngành chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Từ tháng 12/2019, lâm tặc tiếp tục khai thác trái phép chín cây gỗ Pơ mu tại lô 21 khoảnh 3 và lô 13 khoảnh 4 tiểu khu 1219, đến tháng 2/2020 khai thác trái phép 14 cây gỗ Pơ mu và đến tháng 4/2020 khai thác tiếp 19 cây gỗ Pơ mu… Với hàng loạt vụ khai thác gỗ Pơ mu trái pháp luật diễn ra trong một thời gian ngắn và cùng tại một khu vực, ngày sau khai thác nhiều hơn ngày trước nhưng không được ngăn chặn và không phát hiện bắt giữ được đối tượng nào khiến dư luận không khỏi nghi ngờ công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây.

Trước tình trạng phá rừng, khai thác gỗ Pơ mu trái pháp luật có chiều hướng gia tăng, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Đắk Lắk yêu cầu Công ty lâm nghiệp Krông Bông trông coi, bảo vệ hiện trường, tang vật vụ vi phạm với khối lượng 37,219m3 gỗ Pơ mu xảy ra từ ngày 9 đến 12/4/2020 tại Tiểu khu 1219, đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý vụ khai thác gỗ này. Công ty lâm nghiệp Krông Bông tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, bố trí lực lượng chốt chặn tại những khu vực trọng điểm, nguy cơ xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp và tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung mà Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã chỉ đạo về việc xử lý vụ khai thác gỗ tại Tiểu khu 1219.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động của lực lượng quản lý bảo vệ rừng, kịp thời chấn chỉnh hoạt động, kiện toàn lực lượng quản lý bảo vệ rừng và kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị. Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, các biện pháp đã triển khai việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật xảy ra liên tục trong thời gian qua tại các Tiểu khu 1219, 1148, 1149, 1189, đề xuất xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan để xảy ra các vụ phá rừng này… Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh tham mưu cho sở xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân của Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông có liên quan trong việc để xảy ra khai thác 19 cây gỗ Pơ mu trong những ngày đầu tháng 4/2020 và trong các vụ phá rừng, khai thác gỗ Pơ mu trái phép trên lâm phần do Công ty lâm nghiệp Krông Bông quản lý nhưng chưa chủ động kiểm tra, ngăn chặn kịp thời. Nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ Pơ mu thuộc lâm phần Công ty lâm nghiệp Krông Bông quản lý năm trên địa bàn huyện,

Ông Đỗ Xuân Dũng, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau khi nhận được thông tin về vụ việc, đơn vị đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức kiểm tra hiện trường và làm việc với chủ rừng để xác minh vụ việc. Đồng thời, đơn vị đã yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông có trách nhiệm trông coi, bảo vệ hiện trường, tang vật vụ vi phạm tại tiểu khu 1219; vận chuyển đưa ra khỏi hiện trường số gỗ vi phạm về nơi quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng lập hồ sơ vụ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp tại địa phương, chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nhằm xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ Pơ mu tái diễn liên tục trong thời gian qua, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về lâm luật, đặc biệt là trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng, các đơn vị liên quan thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, khai thác rừng nhưng không có biện pháp xử lý, ngăn chặn… Đồng thời chỉ đạo Công an huyện đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm ba vụ phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật xảy ra trên lâm phần do Công ty lâm nghiệp Krông Bông quản lý mà Hạt Kiểm lâm huyện đã chuyển hồ sơ sang… nhằm răng đe chung.

Pơmu là loại gỗ thuộc nhóm IIA (thực vật rừng quý hiếm, nguy cấp) trên lãnh thổ Việt Nam. Khu vực rừng do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông quản lý với nhiều dãy núi cao trên 1.000m, khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng để loài cây pơmu sinh sống và phát triển.