Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đắk Lắk: Triển khai các biện pháp nghiêm ngặt nhất không để dịch bạch hầu bùng phát

(Dân sinh) - Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đang triển khai các biện pháp nghiêm ngặt nhất nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh, không để dịch lan rộng.

Theo báo Lao Động: Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, trước tình hình dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp ở vùng Tây Nguyên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở tỉnh Đắk Lắk đã và đang chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng đã chỉ đạo cho các đơn vị tuyến dưới tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu, tổ chức thực hiện thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa số trường hợp biến chứng nặng và tử vong; chủ động tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho nhân viên y tế tại đơn vị.

Đắk Lắk: Triển khai các biện pháp nghiêm ngặt nhất không để dịch bạch hầu bùng phát - Ảnh 1.

Ngành Y tế các tỉnh Tây Nguyên đang căng mình chống dịch bạch hầu. Ảnh: Thanh Tuấn

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu và theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Lực lượng y tế giám sát tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, khoanh vùng, kịp thời xử lý ổ bệnh kịp thời, đúng quy định nhằm khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng.

Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, thông tin, trước đó đơn vị đã cấp 10.000 liều vắc xin uốn ván, bạch hầu để chủ động phòng bệnh cho người dân trong khu vực xã Quảng Hòa, huyện Đắk G'long (tỉnh Đắk Nông). Những liều vắc xin này sẽ tiêm cho nhóm người từ 7 đến 40 tuổi. Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các bên liên quan nỗ lực cấp tiếp những liều vắc xin khác cho các tỉnh trong vùng để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.

Đáng chú ý, quý III, IV/2020, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk sẽ rà soát đối tượng trong chương trình tiêm chủng mở rộng triển khai tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin bạch hầu bảo đảm đạt tỉ lệ trên 95% quy mô khắp các xã, phường, thị trấn. Đắk Lắk trong mốc thời gian kể trên sẽ tiêm chủng vắc xin, uốn ván bạch hầu cho tất cả học sinh lớp 2 (7 tuổi) ở địa bàn. Tổng số liều vắc xin dự kiến tiêm trong đợt này vào khoảng 40.000 liều.

Hiện, ở Đắk Lắk vẫn chưa ghi nhận trường hợp biến chứng nào khi tiêm vắc xin, uốn ván bạch hầu trên học sinh. Tuy vậy, nhân viên y tế tỉnh khi tiến hành tiêm chủng sẽ cẩn thận, tiến hành đúng quy trình để đảm bảo an toàn cho các em.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng xác nhận, khi có trường hợp tai biến nặng do tiêm chủng thì phải khẩn trương tổ chức điều tra, báo cáo và tổ chức họp Hội đồng chuyên môn đánh giá tai biến sau tiêm chủng để đánh giá nguyên nhân, kịp thời giải quyết.

Ông Trịnh Quang Trí – Phó Giám đốc (phụ trách) Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết: ''Đến thời điểm hiện tại, tiêm vắc xin là cách thức tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Tuy vậy, người tiêm vắc xin rồi mà vẫn nhiễm bệnh cũng có nhưng tỉ lệ cực kỳ thấp. Chúng tôi sẽ ưu tiên cấp 2.000 liều cho người dân huyện Lắk để phòng bệnh vì địa phương này tiếp giáp với tỉnh Đắk Nông. Sau đó, đơn vị sẽ triển khai tiếp tục ở những khu vực trọng điểm trên toàn tỉnh''.

Đắk Lắk: Triển khai các biện pháp nghiêm ngặt nhất không để dịch bạch hầu bùng phát - Ảnh 2.

Văn bản hỏa tốc

Thông tin từ báo VTCnew: Ngày 6/7, bà Huỳnh Nữ Thu Hà – Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký văn bản chỉ đạo nỗ lực khoanh vùng, tập trung phòng chống bệnh bạch hầu. Trong đó đặc biệt phải xử lý triệt để ổ dịch tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang (huyện Đắk Đoa), nơi ghi nhận 10 ca dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có một bé 4 tuổi đã qua đời.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phối, chống dịch bạch hầu, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch không để dịch bệnh lây lan. Đồng thời, chú trọng lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, cách ly các trường hợp mắc, chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, nhân lực, vật tư, thuốc…

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục; chủ động phối hợp với ngành Y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận khác cho giáo viên, học sinh về các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu, phối hợp quản lý tối sức khỏe học sinh, cán bộ… và yêu cầu cho học sinh xã Hải Yang nghỉ học 1 tuần.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo huyện Đắk Đoa kịp thời hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống, sản xuất của người dân địa phương, nhất là ở xã Hải Yang.