Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đắk Lắk, triển khai các biện pháp nhằm hạn chế dịch sốt xuất huyết bùng phát

Ngày 27/6, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến thời điểm này, toàn tỉnh đã ghi nhận 20 ổ dịch, 710 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Các ngành chức năng đang khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm hạn chế sự bùng phát dịch.

Theo bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, riêng trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng nhanh trên địa bàn tỉnh, tăng đến 63% so với cùng kỳ. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ gia tăng mạnh nếu người dân không nâng cao ý thức phòng, chống bệnh.

Đối với 20 ổ dịch đang được ghi nhận tại các huyện, ngành y tế đã thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, phun thuốc diệt muỗi, điều tra, giám sát, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, tổ chức chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy để hạn chế thấp nhất số ca mắc và số ca tử vong.

“Chúng tôi tổ chức chiến dịch diệt loăng quăng bọ gậy vào thứ 6 hàng tuần và khuyến cáo các sở, ban, ngành phải tiên phong đi trước sau đó khuyến khích người dân dọn dẹp sạch nơi ở, phát quang bụi rậm không cho những ổ nước đọng để muỗi có thể sinh sôi nảy nở và lây lan dịch bệnh", bác sĩ Hoàng Hải Phúc nói.

Ông Phúc cho biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk yêu cầu khi phát hiện ổ dịch thì Trung tâm y tế các huyện cũng có tờ trình lên để chúng tôi cấp hóa chất để phun chủ động. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã có tờ trình xin Sở y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để bổ sung lượng hóa chất để thực hiện các biện pháp phun hóa chất chủ động để phòng chống sốt xuất huyết trong thời gian tới được tốt.

Cán bộ Trạm y tế xã Yang Tao, huyện Lắk tuyên truyền cho người dân phòng, chống dịch bệnh (Ảnh Thanh Nga)

Cán bộ Trạm y tế xã Yang Tao, huyện Lắk tuyên truyền cho người dân phòng, chống dịch bệnh (Ảnh Thanh Nga)

Trong tổng số 710 trường hợp mắc sốt xuất huyết, riêng từ đầu tháng 6 đến nay đã ghi nhận 388 trường hợp. Dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó, huyện Ea Súp ghi nhận số người mắc sốt xuất huyết cao nhất với 195 trường hợp, sau đó là huyện Buôn Đôn (96 người), huyện Krông Pách (68 người) và huyện Lắk (50 người).

Ngành y tế Đắk Lắk đã tổ chức tập huấn giám sát, điều trị sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng cho cán bộ y tế và cộng tác viên y tế các tuyến. Đồng thời,  đẩy mạnh các hoạt động y tế trường học, phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường… nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp mắc bệnh, nhất là các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh xảy ra phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới do vi rút Dengue (dengue hemorrhagic fever, DHF hay Sốt dengue) gây ra. Loại vi rút này có 4 chủng huyết thanh bao gồm: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Người bệnh có thể nhiễm 1 đến 4 chủng vi rút và có khả năng tạo ra miễn dịch với chủng đó suốt đời. Điều này không có nghĩa là người từng bị sốt xuất huyết có khả năng miễn dịch với 3 chủng còn lại. Vì vậy, một người có thể sẽ bị sốt xuất huyết nhiều hơn 1 lần. Vi rút Dengue lây lan qua người chủ yếu do muỗi cái thuộc giống Aedes, chủ yếu là Aedes aegypti.

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm và cao điểm nhất là vào mùa mưa, mùa sinh sản của muỗi. Sốt xuất huyết gặp ở cả người lớn và trẻ em, bệnh gây sốt cao, mệt mỏi, đau nhức xương, rối loạn đông máu, xuất huyết, giảm huyết áp đột ngột. Với một số trường hợp có thể bị chuyển biến nặng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần được chăm sóc đúng cách, theo dõi triệu chứng thường xuyên. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời người bệnh có thể trở nặng thậm chí tử vong.