Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đắk Lắk: Truy tố nhiều đối tượng phá rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô

Ngày 10/1/2022, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa ban hành cáo trạng truy tố 40 bị can liên quan vụ phá rừng xảy ra tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

Theo đó, trong số 40 bị can có Hoàng Công Ý (sinh năm 1974), Trạm trưởng Kiểm lâm số 3, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Vương Thế Cao (sinh năm 1981), Trạm phó Kiểm lâm số 5, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Hoàng Công Nhật (sinh năm 1978), trú tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cùng bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Các đối tượng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô tại cơ quan công an

Các đối tượng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô tại cơ quan công an

Các bị can (35 bị can) khác bị truy tố về các tội “Đưa hối lộ” và tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Riêng 2 bị can: Nguyễn Xuân Ban, Huỳnh Ngọc Lòng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Theo cáo trạng, tháng 9/2020, Lê Mô Y Cum, tên thường gọi Ma Khanh (sinh năm 1984, trú tại buôn Zô, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), cùng nhiều bị can khác ngồi tâm sự với nhau tìm việc làm ăn. Lúc này, Lê Mô Y Cum nói vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cắt gỗ Căm xe đưa đi bán lấy tiền tiêu xài thì tất cả đồng ý.

Trước đó, Lê Mô Y Cum quen biết với Hoàng Công Ý, lúc này là Trạm trưởng Kiểm lâm số 3, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, biết được Hoàng Công Ý thường xuyên đi truy quét trong khu bảo tồn giáp ranh với huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Sau đó, Lê Mô Y Cum gọi điện thoại cho Hoàng Công Ý trao đổi xin vào khai thác gỗ Căm xe ở tiểu khu 618, 622 Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô thì được Hoàng Công Ý đồng ý.

Lê Mô Y Cum và Ý thống nhất mỗi người vào khai thác gỗ phải chung chi cho Hoàng Công Ý 700.000 đồng. Hoàng Công Ý dặn khi vào khai thác không được dùng cưa máy mà chỉ dùng cưa tay để tránh tạo ra tiếng cưa gỗ dễ bị cán bộ khu bảo tồn phát hiện bắt giữ. Sau khi thỏa thuận, Hoàng Công Ý còn hướng dẫn cho Lê Mô Y Cum đi theo đường cột mốc vào tiểu khu 618, 622 để người trong khu bảo tồn không phát hiện.

Để bảo vệ cho nhóm Lê Mô Y Cum vào khai thác gỗ được an toàn, Hoàng Công Ý sẽ đi truy quét tại các tiểu khu giáp ranh với tiểu khu 618, 622. Sau đó, Hoàng Công Ý gọi điện thoại cho Vương Thế Cao, Phó Trưởng trạm Kiểm lâm số 5, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, được phân công giao quản lý tiểu khu 618, 622. Hoàng Công Ý nói với Vương Thế Cao có nhóm Lê Mô Y Cum vào làm gỗ gần Trạm số 5 nhờ Vương Thế Cao báo thời gian tắt điện trước sân Trạm số 5 thì cho gỗ ra và thời gian cán bộ Trạm đi tuần tra báo lại với Hoàng Công Ý và được Vương Thế Cao đồng ý. Lúc này, Hoàng Công Ý chưa thỏa thuận về số tiền chung chi cho Vương Thế Cao mà phụ thuộc Lê Mô Y Cum đưa tiền thì Hoàng Công Ý mới quyết định chung chi cho Vương Thế Cao.

Sau đó, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 11/2020, nhóm của Lê Mô Y Cum đi vào tiểu khu 618, 622 Khu Bảo tồn thiên niên Ea Sô khai thác gỗ Căm xe 2 lần, với tổng khối lượng gỗ quy tròn hơn 25m3, có tổng giá trị hơn 175 triệu đồng.

Gốc gỗ còn lại tại hiện trường

Gốc gỗ còn lại tại hiện trường

Để không bị bắt khi khai thác gỗ, mỗi người sau khi khai thác gỗ về bán sẽ trích lại 1,2 triệu đồng đưa cho Lê Mô Y Cum để chung chi cho cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô thì tất cả đồng ý.

Sau đó, Hoàng Công Ý đã nhận từ Lê Mô Y Cum sau 2 chuyến khai thác gỗ tại tiểu khu 618, 622 là 35 triệu đồng thông qua Hoàng Công Nhật (em trai của Hoàng Công Ý). Hoàng Công Nhật là người đi nhận tiền giúp cho Hoàng Công Ý, được Hoàng Công Ý và Lê Mô Y Cum cho tổng số tiền là 9 triệu đồng. Trong các lần đi nhận tiền, Nhật đều biết rõ đây là tiền mà Lê Mô Y Cum đưa hối lộ cho Hoàng Công Ý để được vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô khai thác gỗ nhưng vẫn đồng ý đi nhận giúp. Sau khi nhận được tiền từ Lê Mô Y Cum, Hoàng Công Ý đã đưa cho Vương Thế Cao tổng số tiền 4 triệu đồng.