Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đảm bảo an sinh để an dân

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Thực hiện tư tưởng bao trùm triết lý về an sinh xã hội của Người, trong hơn 35 năm đổi mới và phát triển đất nước, Việt Nam đã cơ bản xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội (ASXH) đồng bộ. Đặc biệt khi người dân gặp biến cố về thiên tai, dịch bệnh, các chính sách đã thực sự làm an lòng dân, để người dân đồng lòng vượt qua khó khăn.

Chính sách ASXH bao phủ mọi người dân

Cùng với các chính sách phát triển kinh tế, đến nay, Việt Nam đã cơ bản xây dựng được một hệ thống ASXH đồng bộ, nhất là các chính sách về tạo việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân; BHXH bù đắp phần thu nhập bị suy giảm khi đau ốm, tai nạn lao động, tuổi già; trợ giúp xã hội đột xuất và thường xuyên; cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, chính sách ưu đãi đối với người có công (NCC)...

Đánh giá sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 cho thấy, hệ thống shinhs sách xã hội (CSXH) cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận được các tiêu chí quốc tế, đảm bảo quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết với điểm sáng trong lĩnh vực NCC, giảm nghèo và ASXH.

Đối tượng NCC được mở rộng; mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi NCC được điều chỉnh hàng năm; đã cơ bản giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận NCC còn tồn đọng. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu NCC, trong đó trên 1,2 triệu NCC đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Công tác chăm lo đời sống gia đình NCC và làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ thu hút được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đến năm 2020, đã đảm bảo 99,5% gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Hỗ trợ gạo cho người dân trong những lúc thiên tai, dịch bênh, thời điểm giáp hạt.

Hỗ trợ gạo cho người dân trong những lúc thiên tai, dịch bênh, thời điểm giáp hạt.

Về chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chương trình và giải pháp tạo việc làm đồng bộ, tích cực và hiệu quả. Hằng năm, đã giải quyết việc làm cho 1,5 -1,6 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ổn định mức dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%. Hiện, thị trường lao động đạt quy mô 51,9 triệu người, tăng cao hơn 2,8 triệu người so với cùng kỳ. Tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường đạt 68,7%, tỷ lệ thất nghiệp đến thời điểm này là 2,28%. Bình quân thu nhập của người lao động quý III/2022 tăng lên 7,6 triệu đồng, cao hơn 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, khu vực dịch vụ - lực lượng lao động đạt tới 19,2 triệu người, thu nhập trên 8 triệu đồng.

Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm. Giai đoạn 2016 - 2020 mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm, bình quân từ 1 - 1,5%/năm; thu nhâp bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 2,3 lần so với năm 2015, bằng 3,5 lần năm 2010.

BHXH từng bước phát huy và khẳng định vai trò trụ cột chính của hệ thống ASXH. Diện bao phủ BHXH ngày càng mở rộng, đạt 16,2 triệu người tham gia BHXH năm 2020. Dù dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng tổng số người tham gia BHXH tiếp tục tăng, đạt 16,6 triệu người năm 2021, ước tính đạt 19 triệu người năm 2022. Tỷ lệ lực lượng tham gia BHXH hằng năm đều tăng, đạt 32,6% năm 2020, 36% năm 2021. Từ năm 2019, chính sách BHXH tự nguyện được triển khai với nhiều đổi mới về phương thức tổ chức thực hiện. Đến năm 2021, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,5 triệu người, gấp 6 lần số lượng năm 2018. Độ bao phủ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không ngừng được mở rộng, từ 8,2 triệu người năm 2012 lên 13,3 triệu người năm 2020 và gần 13,4 triệu người năm 2021.

Chính sách trợ giúp xã hội (TGXH) được mở rộng về đối tượng, tăng về mức hưởng, thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng và đạt được hiệu quả. Số người được TGXH thường xuyên tăng lên hàng năm, đạt 3,042 triệu người (bao phủ hơn 3% dân số)…

Nhờ vậy, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc (từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117/187 năm 2020).

Những chính sách chưa có trong tiền lệ

 Hơn 1 năm trước, vào thời điểm cả nước gồng mình chống dịch, đã có khoảng 70 chính sách ASXH hỗ trợ NLĐ và doanh nghiệp được Chính phủ, các, bộ, ngành, địa phương triển khai. Hàng loạt chính sách "chưa từng có tiền lệ" được ban hành gấp rút với nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm ASXH và ổn định đời sống của người dân, nhất là người dân ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, để người dân có đủ ăn, đủ mặc. Thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định xuất cấp hơn 158.000 tấn gạo dự trữ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: “Trong giai đoạn dịch bệnh, con số người được chăm lo, hỗ trợ lên tới 56 triệu người. Với một quốc gia đang phát triển còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn chế như Việt Nam đó là nỗ lực phi thường…”

Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ như Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch từ Quỹ BHTN. 2 nghị quyết được triển khai với thủ tục rất thông thoáng, giảm 2/3 thủ tục, rút ngắn 2/3 thời gian so với các chính sách đã ban hành trước đó.

Kết quả, chỉ trong thời gian vài tháng, với điều kiện rất khó khăn, trong bối cảnh các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP đã đem lại hiệu quả thiết thực, được dư luận xã hội, NLĐ, chủ sử dụng lao động đồng tình cao. Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 36.434.593 người lao động, người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.665,263 tỷ đồng. Đặc biệt, chính sách đã vươn tới, bảo vệ 2.532 trẻ em bị mồ côi, trong đó nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đây là những chính sách rất nhân văn, thể hiện sự chăm lo, hỗ trợ người dân, người lao động của Đảng, Nhà nước, chung sức, chung lòng cùng người dân vượt qua khó khăn.

Chi trả tiền hỗ trợ nhà ở cho người lao động bị ảnh hưởng Covid 19.

Chi trả tiền hỗ trợ nhà ở cho người lao động bị ảnh hưởng Covid 19.

Đặc biệt, giai đoạn này khi dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân, NLĐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.

Đáng chú ý, trong nhóm bảo đảm ASXH, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/QĐ-TTg về hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, 2 đối tượng được nhận hỗ trợ là NLĐ đang làm việc trong doanh nghiệp và NLĐ quay trở lại thị trường lao động, với mức lần lượt 500.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng/người/tháng. Kinh phí hỗ trợ là 6.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chính phủ triển khai, thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội, tổng nguồn vốn 15.000 tỷ đồng; cho vay đối với HSSV để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập, tổng nguồn vốn 3.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định trên diễn đàn Quốc hội: Trong giai đoạn dịch bệnh, con số người được chăm lo, hỗ trợ lên tới 56 triệu người. Với một quốc gia đang phát triển còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn chế như Việt Nam đó là nỗ lực phi thường. Không như các nước, tiền được phát đại trà, tại Việt Nam, đối tượng hướng đến của các chính sách đa dạng, lĩnh vực bao quát lại rộng lớn, kinh phí đòi hỏi phải triển khai nhanh.

“Cách làm này cho đến nay đã góp phần rất quan trọng để ổn định lòng dân, động viên, thu hút người lao động sớm quay trở lại làm việc. Chính sách này đã góp phần rất quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế, cho kết quả ngày hôm nay", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

Có thể thấy, nguồn lực tuy chưa thật lớn, song đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các trung tâm, các địa bàn tăng trưởng trọng điểm vượt qua giai đoạn khó khăn. Quan trọng hơn, các chính sách đã thực sự an dân, làm ấm lòng dân; người dân ngày càng an tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.