Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đảm bảo hàng hóa, ổn định thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán

(Dân sinh) - Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sở, doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo xây dựng các chương trình bình ổn thị trường, nhất là các giai đoạn cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 16/10, Bộ này cho biết đang lên kế hoạch bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Tân Sửu, đặc biệt là hai đầu cầu thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở đó tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn thị trường với mặt hàng bình ổn chính là lương thực, thực phẩm, thịt gia súc, gia cầm.

“Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp với các Sở Công Thương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất và phân phối thường xuyên bám sát diễn biến cung - cầu, giá cả hàng thiết yếu nhất là những mặt hàng có khả năng mất cân đối cung - cầu trong ngắn hạn để kịp thời đưa ra các giải pháp điều hành” - ông Hoàng Anh Tuấn nêu cụ thể.

Bộ cũng sẽ chỉ đạo các Sở, doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng các Chương trình bình ổn thị trường, nhất là các giai đoạn sát Tết, tăng cường các điểm bán tại khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa… để đảm bảo người dân không thiếu hàng, sốt giá.

Song song với đảm bảo cung cầu hàng hóa, quản lý thị trường dịp cuối năm cũng được quan tâm chú trọng.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) nhấn mạnh, thực tế công tác chống buôn lậu, kiểm soát thị trường được QLTT triển khai quanh năm, thường xuyên và liên tục.

Đáng chú ý, những tháng cuối năm, tình hình buôn bán, hàng giả, hàng nhái diễn ra phức tạp hơn, nhất là năm nay dịch bệnh Covid hoành hành, các mặt hàng cần kiểm soát chặt chủ yếu tập trung hàng y tế.

Ngoài hàng y tế, ông Trần Hữu Linh cũng chỉ ra, tại thời điểm này, khi công tác chuẩn bị hàng hóa dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết cổ truyền… đang được các doanh nghiệp tập trung chuẩn bị thì các mặt hàng thiết yếu cũng cần được kiểm soát chặt.

Ngoài ra, Tổng cục QLTT đang tiếp tục triển khai các chương trình kế hoạch của Chính phủ và Bộ Công Thương, tập trung kiểm tra các mặt hàng nóng, trọng điểm như thuốc lá điếu, xì gà rượu bia, nước giải khát, pháo nổ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm…

Đây đều là những mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán.

Riêng với việc bán hàng online đang phát triển mạnh, mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng ban chỉ đạo 389 đã ban hành Kế hoạch số 399/KHBCDD389 ngày 10/10/2020 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Kế hoạch này diễn ra trong 3 năm (từ tháng 11/2020 - 11/2023) để tập trung các bộ, ngành phối hợp với các lực lượng đẩy mạnh phòng chống gian lận thương mại hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội, bán hàng qua thương mại điện tử, kể cả lĩnh vực buôn lậu xăng dầu.