Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đảm bảo quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Tại kỳ hợp lần thứ 10, tháng 11 năm 2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 69/2020/QH14 sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là Luật số 69). Luật đã đảm bảo quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo đó, Luật đã đảm bảo quyền chủ động và tự nguyện của người lao động đi làm việc ở nước ngoài và được thể hiện trong Điều 1: Phạm vi điều chỉnh; Điều 2: Đối tượng áp dụng; Điều 3: Giải thích từ ngữ về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (khoản 1), Phân biệt đối xử (khoản 4) và Cưỡng bức lao động (khoản 5); Điều 5: Các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo các quy định này bảo đảm quyền của người lao động được ra nước ngoài làm việc hợp pháp, tự do lựa chọn hình thức đi làm việc ở nước ngoài phù hợp và không bị ép buộc phải làm việc trái ý muốn của họ. 

Dạy tiếng Nhật cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội.

Dạy tiếng Nhật cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội.

Điều 4 của Luật số 69 đã quy định theo hướng khuyến khích người lao động đi làm việc ở ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đi làm việc an toàn, việc làm có thu nhập cao, làm việc ở những ngành, nghề, công việc cụ thể ở nước ngoài để qua đó giúp người lao động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, sau khi người lao động về nước có thể phát huy và sử dụng có hiệu quả các kiến thức, kỹ năng, trình độ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, người lao động được bảo đảm quyền bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không bị phân biệt đối xử và được hỗ trợ bảo vệ phù hợp với đặc điểm về giới.  

Đặt vấn đề coi trọng quyền và lợi ích của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Luật số 69 đã đưa quyền, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lên Chương I Những quy định chung, tại Điều 6 quy định, theo đó người lao động có các quyền như: Được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến đi làm việc ở nước ngoài; Được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài; Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật. Thêm vào đó Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Việc quy định như vậy, cho phép người lao động chủ động tự quyết định việc đi làm việc ở nước ngoài, tự bảo vệ an toàn cho bản thân trước khi nhờ đến sự can thiệp của các tổ chức, cơ quan chức năng.

Lấy người lao động làm trung tâm, nội dung các điều, khoản của Luật đã thể hiện quy định Nhà nước có các chính sách đối với người lao động; quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở  nước ngoài theo hợp đồng, theo đó quy định: Cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng có trách nhiệm đề xuất, xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong suốt quá trình từ trước khi xuất cảnh, trong thời gian làm việc ở nước ngoài cho đến khi về nước;....  Quy định đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện, cũng như phải được sự cho phép, chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với từng hợp đồng, thỏa thuận hoặc phương án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời  có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa  người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tài chính và nhân lực để thực hiện hoạt động này. Đồng thời Luật cũng quy định quyền, nghĩa vụ giữa doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động từ quá trình chuẩn bị nguồn, tuyển chọn, đào tạo, làm thủ tục cho người lao động đến khi người lao động làm việc ở nước ngoài và sau khi về nước theo quy định của pháp luật và hợp đồng, thỏa thuận giữa người lao động với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân này.

Với chủ trương nhằm giảm chi phí của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Luật số 69 đã thể hiện tính ưu việt và phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như vị trí của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, đặc biệt vị thế của người lao động Việt Nam ở thị trường lao động quốc tế, như: Loại bỏ tiền môi giới; Chỉ trả tiền dịch vụ còn thiếu.

Nhằm ngăn ngừa việc lạm thu tiền dịch vụ của người lao động, Luật số 69 quy định nghiêm cấm hành vi thu tiền dịch vụ của  người lao động không đúng quy định của Luật này, đồng thời đã luật hóa quy định hiện hành về việc thu tiền dịch vụ của người lao động như: mức trần tiền dịch vụ; thời điểm được thu tiền dịch vụ là sau khi hợp đồng cung ứng lao động đã được cơ quan thẩm quyền chấp thuận và sau khi ký kết hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; việc hoàn trả tiền dịch vụ cho người lao động trong trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định.

Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại Điều 7, như: Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng  hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán; Hỗ trợ hoặc làm thủ tục để người lao động đi làm việc ở nước  ngoài khi chưa được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền; Cưỡng ép, dụ dỗ, lừa gạt người lao động ở nước ngoài trái pháp luật; Tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật.

Hỗ trợ người lao động trong các trường hợp phát sinh từ nguồn Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Bảo đảm cho người lao động được trang bị các kiến thức phòng tránh các vấn đề phát sinh.