Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đảm bảo thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội

Nhằm lấy ý kiến đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội thảo Định hướng Chiến lược phát triển lĩnh vực lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2021 -2030. Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp và TS. Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội chủ trì hội thảo.

Tỷ lệ lao động có việc làm cao

Đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực lao động, người có công (NCC) và xã hội giai đoạn 2011 -2020, TS. Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (KHLĐ&XH) Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời gian qua, chính sách lao động, xã hội đã được thiết kế theo hướng bao trùm toàn diện không để ai bị bỏ lại phía sau, tăng cường công bằng xã hội và phát triển bền vững. quyền công dân, người lao động, trẻ em được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy ngành LĐ-TB&XH đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Giai đoạn vừa qua, tỷ lệ lao động có việc làm cao, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp ( ở mức 2%, khu vực thành thị dưới 4%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo giai đoạn 2011 -2015 bình quân đạt 51,6% tăng lên 58,6% năm 2018, dự kiến đạt 25% vào năm 2020. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng đều hàng năm (khoảng 140.000 người/năm).

Đảm bảo thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo.

Thu nhập bình quân của người lao động được cải thiện, giai đoạn 2008 -2012 tăng 15-17%/năm; giai đoạn 2013 -2018 tăng 8,7%/năm. Quan hệ lao động đạt được nhiều tiến bộ, hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể nhằm xác lập các điều kiện lao động giữa các bên được doanh nghiệp chú trong triển khai, số lượng thỏa ước lao động tập thể được ký kết tăng dần, số cuộc tranh chấp lao động tập thể, đình công giảm dần qua các năm. Tai nạn lao động được kiểm soát tốt hơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, an sinh xã hội được tăng cường. Bình đẳng giới, bảo vệ trẻ được cải thiện, phòng chống tệ nạn xã hội có hiệu quả.

Bất bình đẳng tương đối về thu nhập (hệ số GINI) trong tầm kiểm soát, mức sống của dân cư được nâng lên, quy mô tầng lớp trung lưu tăng lên. Lĩnh vực NCC nổi lên như một điểm sáng, đời sống NCC với cách mạng ngày càng nâng lên. Hiện có tới 98% NCC có mức sống cao hơn hoặc bằng với mức sống người dân cùng nơi cư trú.

Tuy nhiên, theo TS. Đào Quang Vinh, bên cạnh những kết quả đạt được việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực lao động, người có công (NCC) và xã hội giai đoạn 2011 -2020 cũng đã bộc lộ một số tồn tại hạn chế. Tình hình tuân thủ pháp luật còn hạn chế, tình trạng lạm dụng chính sách, trốn đóng BHXH, giả mạo hồ sơ… còn diễn ra nhiều nơi. Hệ thống dịch vụ việc làm và thông tin thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp tham gia học nghề, chăm sóc, hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội, chất lượng đội ngũ lao động làm công tác xã hội, hệ thống dịch vụ chăm sóc bảo vệ trẻ em… chưa đáp ứng được yêu cầu.

Chất lượng lao động cải thiện nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Quy mô việc làm phi chính thức lớn (18 triệu lao động làm việc trong khu vực phi chính thức). tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao (gần 7% gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung). Hoạt động quản lao động nước ngoài làm việc tại việc làm còn bất cập: một bộ phận lao động nước ngoài làm việc không có phép làm các công việc đơn giản chiếm khoảng 10% tổng số lao động người nước ngoài làm việc ở Việt Nam.

Đảm bảo thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội - Ảnh 3.

Tỷ lệ lao động có việc làm duy trì ở mức cao.

Tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, cháy nổ, ô nhiễm môi trường lao động diễn biến phức tạp. Phạm vi bao phủ trợ giúp xã hội còn hẹp, chưa bao phủ hết nhóm đối tượng yếu thế, mức trợ giúp cơ bản thấp (270.000 đồng/tháng), còn xa mới đảm bảo mức sống tối thiểu. Giảm nghèo chưa bền vững, còn nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền, giữa các nhóm dân cư còn lớn. …

TS Đào Quang Vinh cho rằng nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại hạn chế đó là do, một số chính sách chưa phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đối tượng. Một số chuẩn chính sách, chuẩn trợ cấp đặt ra thấp, chưa đảm bảo nhu cầu tối thiểu của đối tượng thụ hưởng, dẫn đến sự dễ dãi trong đánh giá thành tích thậm chí sai lệnh trong đối tượng thụ hưởng. Nền kinh tế chưa tạo ra nhiều việc làm có năng suất, chất lượng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa tạo đột phá để kích thích chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại.

Đảm bảo bình đẳng, công bằng xã hội và không ai bị bỏ lại phía sau

Định hướng chiến lược phát triển lĩnh vực lao động, NCC và xã hội giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045 đặt ra mục tiêu, phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện an sinh xã hội toàn dân với nhiều hình thức thích hợp, góp phần đảm bảo bình đẳng, công bằng xã hội và không ai bị bỏ lại phía sau.

Phân tích, trong bối cảnh mới, tình hình mới, giai đoạn tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phải giải quyết các chính sách lao động việc làm, xã hội… đối diện nhiều xu hướng lớn tác động đến chính sách của ngành. Nguyên Thứ trưởng (Bộ LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp cho rằng, đơn cử làn sóng CMCN 4.0 đang được bàn đến rất nhiều, xu hướng về công nghệ sẽ xuất hiện nhiều hình thức việc làm mới, như vậy đòi hỏi sẽ phải điều chỉnh chính sách việc làm hiện có như thế nào, cũng là vấn đề lý luận được đặt ra. Hay vấn đề già hóa dân số cũng đang là một trong những thách thức lớn…

Đảm bảo thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội - Ảnh 4.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài.

"Nếu như 15 năm trước mỗi năm thị trường lao động Việt Nam tăng thêm 1,2 triệu người thì 5 năm gần đây mỗi năm lực lượng lao động tăng thêm khoảng 368.000 người. Theo tính toán khoảng 15 năm sau, ước tính thị trường lao động chỉ tăng thêm 180.000 người (bằng 1/10 so với 30 năm trước). Từ thực tế đỏi hỏi việc mở rộng độ tuổi lao động là một tất yếu. Nếu không mở rộng độ tuổi lao động thì không có lực lượng lao động nào đáp ứng mục tiêu phát triển. Do vậy, mở rộng độ tuổi lao động đồng nghĩa nâng tuổi nghỉ hưu" - Nguyên Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp lý giải.

Từ thực tế đó, Nguyên Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, cần phải có sự đánh giá toàn diện những mặt được, mặt hạn chế, phương pháp đánh giá khoa học và khách quan, dựa trên bằng chứng. Đặc biệt, việc xác định các định hướng chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn tới cần dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn, phân tích bối cảnh mới, các yếu tố tác động và đặt trong mối quan hệ với các mục tiêu kinh tế xã hội khác. Chính sách lao động việc làm và phát triển kỹ năng cũng phải được thiết kế theo hướng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, tăng cường công bằng xã hội và phát triển bền vững. Quyền của người dân và của người lao động phải được tôn trọng và đảm bảo trong thực tế. Muốn vậy, khung khổ luật pháp về lao động phải tạo ra sân chơi bình đẳng, loại bỏ các rào cản cho mọi hoạt động lao động, mọi doanh nghiệp và đối tác tham gia thị trường lao động…

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến về các nội dung: Phát triển lực lượng lao động trong bối cảnh Việt Nam đổi mới; Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các vấn đề đặt ra cho phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 2021-2030; Định hướng ưu tiên phát triển con người; Giải pháp đột phá, gắn kết đào tạo với sử dụng lao động nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực trong giai đoạn 2021-2030…