Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đảm bảo việc làm tốt hơn cho lao động nữ di cư trong ASEAN

Ngày 14/11/2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức Lễ Công bố Báo cáo khu vực về “Nữ lao động di cư trong Luật pháp và chính sách của các Quốc gia thành viên ASEAN”, trong đó có nhiều khuyến nghị cụ thể nhằm thúc đẩy đảm bảo việc làm tốt hơn cho lao động nữ di cư trong ASEAN.

Lễ Công bố được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp với thành phần tham gia trực tuyến gồm có đại diện phụ trách các cơ quan chuyên ngành của ASEAN về lao động, phụ nữ; đại diện Uỷ ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em (ACWC); đại diện Ban thư ký ASEAN; các chuyên gia tư vấn của E-READI; đại diện của GIZ và các tổ chức quốc tế…Tại điểm cầu Hà Nội, có các đại biểu đến từ các đơn vị liên quan thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; đại diện Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế (ILO, IOM, EU, UNWomen) cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan phát biểu khai mạc Lễ công bố Báo cáo

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan phát biểu khai mạc Lễ công bố Báo cáo

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan Hoan cho biết, trước những thách thức và rủi ro mà lao động di cư nữ đã và đang gặp phải, Việt Nam đã đề xuất thực hiện Dự án nghiên cứu về Lao động di cư nữ trong chính sách và luật pháp của các nước thành viên ASEAN nhằm hướng tới tìm hiểu về các quy định hiện tại của lao động di cư nữ, tìm ra những khoảng trống trong quy định và chính sách của các nước, phát hiện những điển hình tốt, những bài học kinh nghiệm đáng quý nhằm thúc đẩy hài hoà hoá các quy định của các nước và trong khu vực, hướng tới bảo vệ tốt hơn cho lao động di cư nữ trong thời gian tới. Đến nay, Dự án đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu về phụ nữ lao động di cư trong luật pháp và chính sách của các quốc gia ASEAN. Trong đó đã đưa ra một nghiên cứu tổng quát về vị trí luật pháp, chính sách, chương trình và các hoạt động thực thi pháp luật tại các quốc gia thành viên ASEAN, các quy định cụ thể dành cho lao động nữ và tác động của những quy định, hoặc việc chưa có các quy định đó tới lao động di cư nữ.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cùng đại diện Văn phòng ILO và phái đoàn EU tại Việt Nam tại buổi Lễ công bố

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cùng đại diện Văn phòng ILO và phái đoàn EU tại Việt Nam tại buổi Lễ công bố

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khẳng định, Việt Nam luôn chú trọng đến tính nhạy cảm giới trong luật pháp và chính sách quốc gia. Theo đó, đã dẫn đầu nhiều hoạt động hợp tác quốc tế nhằm cải thiện bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của người lao động trong nước và khu vực. Trước những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với lao động di cư, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ nhanh chóng và đáp ứng giới cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài, như: duy trì liên lạc chặt chẽ với người di cư thông qua đường dây nóng Bảo hộ công dân; có cơ quan đại diện ngoại giao phối hợp với cơ quan chức năng nước ngoài tiếp nhận người di cư Việt Nam đang mắc kẹt để đưa về nước nếu có yêu cầu; bảo vệ lãnh sự; tổ chức các chuyến bay hồi hương nhanh... Những điển hình tốt này của Việt Nam đã được ghi nhận trong Báo cáo.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam phát biểu

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam phát biểu

Tại buổi lễ, Phó Tổng Thư ký ASEAN đã hoan nghênh và chúc mừng nỗ lực của các nước thành viên ASEAN, dưới sự chủ trì của Việt Nam và hỗ trợ từ ILO, Ban Thư ký ASEAN, những thông tin cập nhật cùng các điển hình tốt từ các nước thành viên đã được tổng hợp, phân tích trong Báo cáo khu vực. Từ đó, đưa ra nhận định về những thành tựu đã đạt được, lợi thế cũng như khó khăn, vướng mắc và các khuyến nghị nhẳm khắc phục cũng như thúc đẩy quyền và lợi ích hợp pháp của lao động di cư nói chung và lao động nữ nói riêng.

Báo cáo đã đưa ra một nghiên cứu tổng quát về vị trí luật pháp, chính sách, chương trình và các hoạt động thực thi pháp luật về lao động nữ di cư tại các quốc gia thành viên ASEAN

Báo cáo đã đưa ra một nghiên cứu tổng quát về vị trí luật pháp, chính sách, chương trình và các hoạt động thực thi pháp luật về lao động nữ di cư tại các quốc gia thành viên ASEAN

Tại buổi lễ, các đại biểu đã được nghe chia sẻ về các kết quả của nghiên cứu, trao đổi về ý nghĩa của các phát hiện chính của nghiên cứu và cách áp dụng trong thực tế của các nước thành viên ASEAN. Theo đó, di cư lao động quốc tế nói chung và di cư lao động trong ASEAN đã gia tăng trong những thập kỷ qua. Gần một nửa số người di cư sống và làm việc bên ngoài quốc gia nơi họ sinh là phụ nữ hoặc trẻ em gái. Tuy nhiên, phụ nữ có ít lựa chọn hơn để di cư thường xuyên và lao động nữ di cư phải đối mặt với nhiều bất bình đẳng đan xen.

Trên cơ sở nghiên cứu, xem xét các xu hướng di cư hiện nay, đặc biệt là phụ nữ di cư, đồng thời phân tích toàn diện về luật di cư hiện hành và các chính sách quản lý di cư lao động tại 10 nước thành viên ASEAN, các khuyến nghị đã được đề xuất trong Báo cáo nhằm thúc đẩy đảm bảo việc làm tốt cho lao động nữ di cư trong ASEAN. Qua đó, góp phần cho nỗ lực xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, vì người dân và lấy người dân làm trung tâm./.