Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đan Phượng, Hà Nội: Không chủ quan, lơ là trong công tác bảo vệ đê điều

Là địa bàn có hệ thống đê điều rất quan trọng, đặc biệt là hệ thống đê cấp I với 2 tuyến đê chính làm nhiệm vụ trực tiếp ngăn lũ sông Hồng, tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội đã liên tiếp xảy ra các sự cố sạt lở nghiêm trọng, khiến công tác bảo vệ hành lang an toàn đê điều trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Huyện Đan Phượng có 6 tuyến đê với tổng chiều dài 35,13km, trong đó có 2 tuyến đê chính (đê cấp I) làm nhiệm vụ trực tiếp ngăn lũ sông Hồng, bao gồm: Đê Vân Cốc dài 6,7km, đê Hữu Hồng dài 7,63km và đê Tả Đáy dài 3,3km. Cơ bản các tuyến đê đều được Nhà nước quan tâm tu bổ nâng cấp bằng nhựa asphan hoặc bê tông; tuyến đê Hữu Hồng được lắp đặt hệ thống đê chiếu sáng đồng bộ.

Về đê cấp II, đê La Thạch dài 6,5km, toàn bộ mặt đê đã được đầu tư cứng hóa bê tông xi măng. Đê cấp III có tổng chiều 11km gồm đê Tiêu Tân 7km, đê bao Liên Trì 4km được nâng cấp mặt đê bằng nhựa kết hợp giao thông. Bên cạnh đó, toàn hệ thống đê có 22 điếm canh đê và vật tư phòng chống lụt bão. Hệ thống đê được bê tông cứng hóa, cơ bản đảm bảo chống bão lũ.

Tuy nhiên, năm 2021, do ảnh hưởng của những đợt mưa từ đầu năm, nhất là trong tháng 10/2021, mặt đê, mái đê tả Đáy đoạn qua xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) bị hư tổn nghiêm trọng. Cụ thể, tại vị trí K1+900 mặt đê và mái đê bị sạt trượt. Chiều dài sự cố liên tục mở rộng, lấn vào mặt đê. Sự cố đang gây ra nhiều bất tiện đối vơi việc đi lại của người dân do đây là tuyến đường đê kết hợp giao thông quan trọng. Đặc biệt, nguy cơ mất an toàn phòng, chống lũ cho tuyến đê tả Đáy là không thể chủ quan, do hiện nay sự cố được đánh giá là còn có khả năng phát triển thêm. 

Trước tình trạng sạt trượt mái đê, nứt vỡ mặt đê tả Đáy, Hạt quản lý đê huyện Đan Phượng và chính quyền xã Song Phượng đã cắm biển cảnh báo. Tổ chức hướng dẫn, phân luồng để người và phương tiện hạn chế qua lại vị trí xảy ra sự cố. Cùng với đó, cắt cử cán bộ theo dõi thường xuyên diễn biến sự cố để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý. 

Xử lý sự cố nứt đê trên địa phận xã Liên Hà, huyện Đan Phượng (Ảnh minh họa)

Xử lý sự cố nứt đê trên địa phận xã Liên Hà, huyện Đan Phượng (Ảnh minh họa)

Trước đó, trong tháng 4/2021, trên địa bàn huyện Đan Phượng đã xảy ra sự cố nứt dọc mặt đê hữu Hồng đoạn Km46+160 thuộc địa phận xã Liên Hà. Nguyên nhân được xác định do thi công hố móng trạm bơm nước thô thuộc dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng gây ra.

Sau khi xảy ra sự cố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, Hạt Quản lý đê Đan Phượng phối hợp với Công ty cổ phần nước mặt sông Hồng, UBND huyện Đan Phượng, UBND xã Liên Hà và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục. Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội giao UBND huyện Đan Phượng và các xã trên địa bàn chịu trách nhiệm cắm biển cảnh báo sự cố, phân luồng giao thông, không cho người, phương tiện vào khu vực sự cố đê để đảm bảo an toàn. Sau hơn hai tháng, đến tháng 7/2021, sự cố nứt đê hữu Hồng, đoạn Km46+160, thuộc địa bàn xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) đã cơ bản được khắc phục. 

Trước các diễn biến trên, để không bị động, bất ngờ, bảo đảm an toàn đoạn đê mới khắc phục sự cố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đan Phượng đã giả định các tình huống có thể xảy ra và xây dựng phương án bảo vệ đoạn đê từ cấp độ thông thường đến cấp độ cực kỳ nguy hiểm... Cùng với nhiệm vụ bảo đảm an toàn đoạn đê, huyện Đan Phượng đã đặt ra các tình huống bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho khoảng 2.100 hộ dân vùng thượng lưu các xã: Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung... do đó đã kiềm chế, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố gây ra, đảm bảo an toàn hành lang đê điều cũng như cuộc sống cho người dân trên địa bàn.