Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đang tồn tại nhiều ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, sự cố - gây lãng phí, chồng chéo

(Dân sinh) - Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, hiện nay, trong lĩnh vực phòng thủ dân sự, việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố còn tồn tại nhiều tổ chức chỉ đạo, chỉ huy. Các tổ chức này có nhiều sự trùng lặp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và thành viên, gây chồng chéo, tốn kém, và lãng phí về nguồn lực tổ chức thực hiện.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu ý kiến.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu ý kiến.

Trong phiên làm việc tại tổ chiều 1/11, cho ý kiến đối với Dự án Luật Phòng thủ dân sự, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật này.

Xác định cấp độ phòng thủ tương ứng

Phát biểu ý kiến, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (Đoàn Bình Dương) - nêu rõ, phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước, có vai trò rất quan trọng nhằm bảo đảm sự ổn định, phát triển bình thường của xã hội và đời sống nhân dân.

Theo ông Cương, các quy định về phòng thủ dân sự có liên quan tới quyền con người, quyền công dân, nên phải được quy định bằng văn bản luật để bảo đảm quyền công dân trong quá trình thực thi các nhiệm vụ này, theo đúng quy định của Hiến pháp.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương lấy ví dụ về phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua. Trong luật chưa có quy định về các biện pháp cách ly xã hội, giãn cách xã hội. Tuy nhiên, để phòng, chống dịch, chúng ta vẫn phải thực hiện, thực tế thì các biện pháp đó đã phát huy hiệu quả. Do đó, cần quy định biện pháp này vào luật để triển khai thực hiện.

Cùng với đó là các luật chuyên ngành khác cũng chưa có quy định về các kế hoạch, các chiến lược. Tại thời điểm ở Hà Nội mới có vài trường hợp mắc COVID-19, Bộ Quốc phòng có tổ chức diễn tập trong thời gian ngắn nhất, công tác chuẩn bị ngắn nhất, nhưng có quy mô lớn nhất. Tất cả đơn vị trong toàn quân đều tổ chức diễn tập với kịch bản có khoảng 30.000 người mắc COVID-19. Sau đó, các địa phương cũng vận dụng những kế hoạch đã được Bộ Quốc phòng diễn tập để áp dụng phòng, chống dịch tại địa phương.

Vì vậy, những kế hoạch, chiến lược này chưa được quy định trong luật nên cũng cần được quy định trong Luật Phòng thủ dân sự để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Đại biểu Phạm Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa)

Đại biểu Phạm Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa)

Theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, thảm họa và sự cố không tách rời nhau, khi sự cố không được khắc phục kịp thời thì sẽ xảy ra thảm họa. Vì vậy, cần đưa cả 2 nội dung thảm họa và sự cố vào phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng thủ dân sự.

“Khi sự cố xảy ra ở mức độ thông thường, lúc này, do các lực lượng chuyên trách thuộc chức năng, nhiệm vụ của các luật chuyên ngành quy định. Nghĩa là khi xảy ra những sự cố bình thường thì sẽ thực hiện theo các luật chuyên ngành đã có” - ông Cương nói.

Khi vượt quá khả năng xử lý của các lực lượng chuyên ngành, chuyên trách thì các cấp chính quyền căn cứ vào 4 yếu tố: Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng của thảm họa, sự cố; đặc điểm địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa bàn chịu ảnh hưởng bởi thảm họa, sự cố; diễn biến khả năng gây thiệt hại và thiệt hại của thảm họa, sự cố; khả năng ứng phó với thảm họa, sự cố của chính quyền địa phương và các lực lượng tham gia phòng thủ dân sự.

Trên cơ sở 4 tiêu chí đó để xác định cấp độ phòng thủ tương ứng. Từ đó, các cấp chính quyền địa phương triển khai biện pháp tương ứng.

Quy định rõ cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự

Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) cho rằng nên hợp nhất các Ban chỉ đạo, chỉ huy cấp Trung ương và địa phương về phòng thủ dân sự; nhấn mạnh điều này là rất cần thiết và phù hợp khi Luật Phòng thủ dân sự được ban hành và có hiệu lực.

Theo đại biểu Phạm Thị Xuân, hiện nay, trong lĩnh vực phòng thủ dân sự, việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố còn tồn tại nhiều tổ chức chỉ đạo, chỉ huy. Các tổ chức này có nhiều sự trùng lặp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và thành viên nên trên thực tế khi có thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra thì các tổ chức đều vào cuộc và tổ chức việc chỉ đạo, phối hợp giải quyết, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

Điều này gây chồng chéo, lúng túng cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, có thể ảnh hưởng đến tính kịp thời, hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, tổ chức thực tiễn, khắc phục thảm họa sự cố...

Bên cạnh đó, theo đại biểu, việc tồn tại đồng thời nhiều tổ chức chỉ đạo về phòng, chống thiên tai, thảm họa, sự cố, dịch bệnh gây tốn kém, lãng phí về nguồn lực tổ chức thực hiện.

Để khắc phục sự trùng lặp đó, đại biểu Phạm Thị Xuân đề nghị ở cấp quốc gia nên hợp nhất Ban tổ chức phối hợp chuyên ngành thành một tổ chức phối hợp liên ngành để chỉ đạo hoạt động phòng thủ dân sự của quốc gia là phù hợp.

Quan tâm đến đối tượng, phạm vi của dự thảo luật, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ việc “bảo vệ nhân dân” cũng như liệt kê rõ ràng hơn về “khắc phục hậu quả chiến tranh” quy định trong dự luật.

“Nội dung của phòng thủ dân sự rộng hơn, không chỉ là những nội dung của phòng thủ quốc gia, mà sâu sắc hơn còn là bảo đảm cho hoạt động kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại biểu quan tâm đến Điều 37 của dự thảo luật quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự: “Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự là tổ chức phối hợp liên ngành về phòng thủ dân sự”.

Theo đại biểu, dự thảo luật không quy định cơ quan nào thành lập ra cơ quan này. Tuy Điều 11 dự luật cũng có nhắc đến Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự nhưng lại chưa quy định lực lượng nòng cốt của cơ quan này.

“Nên chăng cơ quan này là do Bộ Quốc phòng thành lập, bởi lẽ trong phòng thủ dân sự thì dân quân tự vệ là lực lượng nòng cốt, phối hợp cùng các lực lượng công an xã và các lực lượng dân sự khác... Mặt khác, Bộ Quốc phòng có công cụ, phương tiện và cơ quan chuyên ngành bảo đảm nhiệm vụ”, đại biểu đề xuất.

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Cà Mau cũng đề nghị ban soạn thảo xác định rõ: Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự gồm những cơ quan nào; lực lượng nòng cốt gồm những bộ, ngành nào; cơ quan này do ai thành lập. 

“Thủ tướng Chính phủ thành lập là phù hợp; cơ quan phòng thủ dân sự cấp tỉnh thì do chủ tịch tỉnh hoặc cấp tương đương thành lập và do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đó chủ trì, làm nòng cốt”, đại biểu kiến nghị và nhấn mạnh cần quy định rõ ràng để quán chiếu được toàn bộ nội dung của luật, để khi xảy ra tình huống thì có ngay lực lượng để xử lý.