Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đào tạo lao động trước khi xuất cảnh: Cần quan tâm đến vấn đề giới

Theo ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD), việc đưa nội dung giáo dục về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động vào chương trình giáo dục định hướng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ đạt được mục tiêu kép trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài

“Khoảng trống" về giới trong đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Về mặt pháp lý, việc đào tạo nội dung về "cưỡng bức lao động, phòng, chống buôn bán người, bình đẳng giới, lạm dụng tình dục, bạo lực giới và các kỹ năng phòng ngừa", cho người lao động trước khi xuất cảnh đã được quy định tại Quy định tại điểm I, Điều 65 "Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" năm 2020. Tuy nhiên,  thực tế hiện nay, các doanh nghiệp, đơn vị đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đang gặp nhiều trở ngại, lúng túng khi thực hiện quy định này khi giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh.

Tại Hội thảo "Thực trạng và giải pháp hỗ trợ lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" do Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung  tổ chức ngày 10/10, ông Nguyễn Đức Hiệu, Công ty CP Tư vấn du học và Thương mại VJ, cho biết: Lao động đi làm việc ở nước ngoài nhìn chung hiện nay còn nhiều rào cản; ngoại ngữ hạn chế, nên việc hoà nhập với môi trường sống, lao động ở bản địa chưa tốt. Đặc biệt là còn thiếu hiểu biết pháp luật, văn hoá, phong tục nước sở tại… Qua đó cho thấy, việc giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, doanh nghiệp, đơn vị thường tập trung nhiều vào đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và ngoại ngữ cho người lao động; nhưng chưa quan tâm thấu đáo tới giáo dục định hướng cho họ. Doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, lúng túng khi tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động, bởi hiện nay chưa có bộ giáo trình thống nhất về văn hoá, phong tục của các nước tiếp nhận lao động Việt Nam hay nội dung đào tạo, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới phòng chống xâm hại tình dục cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết: các trung tâm đạo tạo nghề, đơn vị đưa người đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn hiện nay mới chỉ chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động mà ít quan tâm đến việc đào tạo, thậm chí bỏ qua nội dung giáo dục định hướng về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới và xâm hại tình dục cho người lao động trước khi xuất cảnh.  Mặc dù đây là nội dung bắt buộc phải thực hiện theo quy định của Luật, nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn, hoặc có giáo trình cụ thể để doanh nghiệp giáo dục định hướng về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực… cho người lao động có thể tự phòng chống, bảo vệ bản thân khi làm việc ở nước ngoài.

Cần quan tâm trang bị kiến thức về giới cho người lao động đi làm việc ở nướ ngoài

Cần quan tâm trang bị kiến thức về giới cho người lao động đi làm việc ở nướ ngoài

Cần xây dựng khung đào tạo định hướng về bình đẳng giới cho người lao động

Thông tin tại Hội thảo, ông Lê Văn Sơn, Giám đốc GFCD cho biết, năm 2022, theo một khảo sát do GFCD thực hiện về nhu cầu đào tạo liên quan đến binh đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho thấy, nhu cầu tiếp nhận thông tin về vấn đề này là có thực và hiểu biết của người lao động về vấn đề đó còn rất hạn chế. Theo khảo sát của GFCD năm 2022, có tới 92,4% lao động được hỏi cho rằng cần thiết đào tạo về bình đẳng giới và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.Về đào tạo các vấn đề lao động nữ thường gặp phải, có 11,9% cho rằng không được đào tạo và có 33,9% cho rằng được đào tạo sơ lược, ít về nội dung này.Đào tạo về bóc lột lao động, cưỡng bức lao động, có 14% người cho biết không được đào tạo; có 30,5% người cho biết được đào tạo sơ lược về vấn đề này.

‘Đưa nội dung giáo dục về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới, lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động vào chương trình giáo dục định hướng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ đạt được mục tiêu kép trong việc nhân cao chất lượng và hiệu quả nguồn lao động của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.”, Ông Lê Văn Sơn nhấn mạnh.

 Mặc dù hiện nay đã có khá đầy đủ  cơ sở pháp lý các quy định liên quan tới giáo dục định hướng trong đó có nội dung giáo dục bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tuy nhiên theo ông Lê Văn Sơn, vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nội dung này tới các doanh nghiệp, đơn vị và đặc biệt là tới người lao động, giúp họ nhận thức được các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời cần một hướng dẫn chi tiết về chương trình, nội dung, tài liệu,  giáo trình đào tạo để tạo nguồn dữ liệu giúp cho doanh nghiệp trong quá trình đào tạo kiến thức cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Ông Phạm Ngọc Anh- Tổng giám đốc Cty cổ phần ITC đề xuất,  cơ quan quản lý, Nhà nước nên đứng ra tổ chức đào tạo tập trung như mô hình của Philippin; còn doanh nghiệp sẵn sàng chi trả chi phí đào tạo, như vậy, người lao động sẽ được đào tạo theo một quy chuẩn chung, sau đó doanh nghiệp sẽ đào tạo thêm theo yêu cầu của chủ sử dụng lao động. Như vậy sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc lớn nhất về nguồn lực của doanh nghiệp hiện nay, như thiếu tài liệu, thiếu giảng viên chuyên về lĩnh vực bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới.