Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Dấu ấn Quảng Bình

(Dân sinh) - Có lẽ trong ký ức của mỗi người dân Quảng Bình sẽ không thể nào quên thời khắc thiêng liêng khi cách đây 30 năm về trước, tại thị xã Đồng Hới, loa truyền thanh đã phát đi Diễn văn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh long trọng tuyên bố Quảng Bình được tái lập.

"Quảng Bình quật khởi"

Tháng 8, chúng tôi trở về thăm Quảng Bình, người dân nơi đây vui mừng trong không khí đón nhận 30 năm tái lập tỉnh, 70 năm "Quảng Bình quật khởi". 

Dấu ấn Quảng Bình  - Ảnh 1.

Lễ đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhất

Quảng Bình được biết đến có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi khởi đầu cho công cuộc mở cõi về phương Nam của nước Đại Việt. Đây là vùng đất đã chứng kiến và trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, chịu đựng nhiều nỗi đau chia cắt trong các cuộc chiến tranh, là eo thắt giữ trọng trách gánh nặng hai miền Bắc - Nam để nối liền một dải non sông Việt Nam. Chính vì vậy, đã tôi luyện cho con người nơi đây tinh thần yêu nước, yêu quê hương nồng nàn, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm và cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất. 

Cao trào "Quảng Bình quật khởi" trong kháng chiến chống Pháp và sự kiện tỉnh Quảng Bình trở về với địa giới cũ cách đây vừa tròn 30 năm là những dấu mốc quan trọng của lịch sử Quảng Bình.

Trong tuần lễ "Quảng Bình quật khởi", quân và dân Quảng Bình đã đánh 130 trận lớn nhỏ, diệt 49 lính Pháp, 128 tên Việt binh đoàn và làm bị thương 130 tên khác, phá hủy 22 xe quân sự, giải tán 225 hội Tề... 8 xã trong vùng tạm chiếm ở Quảng Ninh và Lệ thủy được giải phóng. 

Dấu ấn Quảng Bình  - Ảnh 2.

Toàn cảnh Quảng Bình hôm nay được chụp từ trực thăng trên cao (Ảnh: Tiến Luyến).

Dấu ấn Quảng Bình  - Ảnh 3.

Dấu ấn Quảng Bình  - Ảnh 4.

Thắng lợi của Cao trào "Quảng Bình quật khởi" đã mở ra cục diện mới trên chiến trường, tạo ra bước phát triển mới về chất cực kỳ quan trọng trong cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện chống Pháp của quân và dân Quảng Bình, tạo tiền đề cho những chiến công liên tiếp ngay sau đó, như Xuân Bồ, Sen Bàng, Chợ Chè, Ba Đồn, Phú Trịch, Mỹ Lộc, Xuân Lai… góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Tăng trưởng kinh tế

Nhìn lại 70 năm qua, Cao trào "Quảng Bình quật khởi" đã trở thành mốc son không thể phai mờ, là niềm tự hào, nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, cổ vũ quân và dân tỉnh ta trong suốt các thời kỳ đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như công cuộc đổi mới hôm nay. 

Có lẽ trong ký ức của mỗi người dân Quảng Bình sẽ không thể nào quên thời khắc thiêng liêng đúng vào ngày này của 30 năm về trước, tại thị xã Đồng Hới, loa truyền thanh đã phát đi Diễn văn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh long trọng tuyên bố Quảng Bình được tái lập.

Dấu ấn Quảng Bình  - Ảnh 5.

Động Phong Nha – Kẻ Bàng (Ảnh: Tiến Luyến)

Đây là giai đoạn Quảng Bình đã làm nên "làn gió Đại Phong", ngọn cờ đầu của Miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong sản xuất nông nghiệp. Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã kế thừa và phát huy tinh thần "Quật khởi" để làm nên phong trào thi đua "Hai giỏi".

30 năm qua, Quảng Bình đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng. Thành tựu nổi bật sau 30 năm tái lập tỉnh, Quảng Bình đã khắc phục được tình trạng trì trệ về kinh tế - xã hội, đưa nền kinh tế đi vào thế ổn định. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thời kỳ 1989 - 2019 đạt 8,2%.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật cho biết: "Từ một nền kinh tế thuần nông, đến nay cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. So với năm 1989 quy mô kinh tế tăng 119 lần, GRDP bình quân đầu người tăng 89 lần. Từ một tỉnh có cơ sở hạ tầng yếu kém, đến nay Quảng Bình đã có sân bay, cảng biển, đường sắt, đường bộ, hệ thống thuỷ lợi; các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế đã và đang phát huy hiệu quả, thu hút nhiều dự án đầu tư. Môi trường thu hút đầu tư ngày càng thông thoáng, hấp dẫn, đã khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; các vùng kinh tế động lực được hình thành ngày càng rõ nét. Có thể nói, đó thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh".

Tạo bước đột phá về du lịch

Quảng Bình - khúc ruột miền Trung nghèo khó nay đang bứt phá trở thành điểm đến đầy khao khát không chỉ của du khách trong nước mà còn của du khách quốc tế, bởi nơi đây đang sở hữu kho tàng di sản văn hóa, tự nhiên độc đáo của thế giới. Quảng Bình nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây, có vai trò quan trọng trong vùng du lịch Bắc Trung bộ với thế mạnh nổi trội về du lịch sinh thái gắn với di sản văn hóa và du lịch biển, đảo. Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Bình.

Được đánh giá là "Viên kim cương xanh" của du lịch của Việt Nam, Quảng Bình xác định phát triển du lịch bền vững làm nền tảng trong quá trình dịch vụ hóa nền kinh tế. Theo hướng này, trong năm 2019, ngành du lịch Quảng Bình đã tập trung đưa du lịch phát triển theo chiều sâu, từ việc nâng cao nhận thức trong xã hội đến tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ở các thị trường mục tiêu trong nước và quốc tế.

Dấu ấn Quảng Bình  - Ảnh 6.

Động Phong Nha – Kẻ Bàng (Ảnh: Tiến Luyến)

Ngành du lịch Quảng Bình tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, khẳng định vị thế của thương hiệu du lịch hàng đầu của Việt Nam tại các thị trường quốc tế. Trong năm qua, Quảng Bình đã tổ chức nhiều hoạt động nổi bật như: Chương trình chào đón năm mới phục vụ du khách; cuộc thi ảnh đẹp du lịch Quảng Bình với chủ đề "Quảng Bình - Thiên đường khám phá và trải nghiệm", các roadshow du lịch Quảng Bình tại TPHCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề "Quảng Bình - Những trải nghiệm khác biệt"… Năm 2019, Quảng Bình phấn đấu đón hơn 4,3 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế.

Dấu ấn Quảng Bình

Sau 30 năm nhìn lại, không ai có thể hình dung được trên đất lửa Quảng Bình bom cày, đạn xới năm nào lại mọc lên những làng quê trù phú, những công trình, dự án quy mô lớn, có thương hiệu quốc tế đã và đang đi vào hoạt động, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, việc làm, đời sống và thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã có những bước tiến quan trọng, tạo được những dấu ấn mới trong quá trình phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; nếu như ngày đầu tách tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50% thì đến nay giảm còn 6,14%.

"Trong những năm tới, Quảng Bình tập trung phát triển các thành phần kinh tế, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét về các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao lượng nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ, cải thiện điều kiện và chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn" - Chủ tịch Trần Công Thuật nhấn mạnh.