Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm bảo đảm hiệu quả, thực chất

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bảo đảm hiệu quả, thực chất, tránh hình thức, phô trương, làm theo phong trào.

Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả triển khai Chương trình OCOP và công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 có ý kiến chỉ đạo như sau:

 Các sản phẩm OCOP Bắc Kạn trưng bày tại Hà Nội.

Các sản phẩm OCOP Bắc Kạn trưng bày tại Hà Nội.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP cấp quốc gia đối với thị trường trong nước và quốc tế; ưu tiên sử dụng các sản phẩm OCOP cấp quốc gia tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại cấp quốc gia, hội chợ, diễn đàn quốc tế; sử dụng làm quà tặng, quà biếu trong các hoạt động đối ngoại và các sự kiện cấp quốc gia, cấp ngành.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP bảo đảm hiệu quả, thực chất, tránh hình thức, phô trương, làm theo phong trào; xây dựng tiêu chí cụ thể để bình xét, lựa chọn các hợp tác xã, doanh nghiệp có sản phẩm đạt OCOP cấp quốc gia năm 2020 tiêu biểu, tổng hợp hồ sơ khen thưởng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (OCOP), Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ này có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.