Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN

(Dân sinh) - Bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) là một trong những “phao cứu sinh” mang tính nhân văn, bù đắp một phần chi phí cho người lao động (NLĐ) khi không may bị TNLĐ. Nhằm phát huy hiệu quả của chính sách này, thời gian qua, các sở, ngành liên quan tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, giúp NLĐ và người sử dụng lao động chấp hành tốt hơn công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Trước những hệ lụy sâu sắc của TNLĐ và BNN, Bảo hiểm xã hội Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh, các cơ quan, ngành liên quan, quan tâm sâu sắc, hỗ trợ kịp thời đối với các trường hợp NLĐ bị ảnh hưởng bởi TNLĐ, BNN. Đồng thời, các chủ trương, chính sách, pháp luật về chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN cũng được phổ biến, hướng dẫn cụ thể đến NLĐ và người sử dụng lao động nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của NLĐ.

Theo báo cáo của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 261 vụ TNLĐ khiến 263 người bị nạn, trong đó có 18 vụ TNLĐ làm 18 người chết. Tỉnh đã xử lý kỷ luật lao động 17 cá nhân; xử phạt hành chính 7 doanh nghiệp, NLĐ với số tiền hơn 247 triệu đồng.

Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về ATVSLĐ, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN tại doanh nghiệp.

Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về ATVSLĐ, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN tại doanh nghiệp.

Các vụ TNLĐ chết người đều được khai báo kịp thời, đúng quy định và điều tra theo đúng trình tự. Toàn tỉnh có 86 doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 38.199 NLĐ và 26 doanh nghiệp tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho gần 11.000 người.

Thực tế cho thấy, TNLĐ và BNN đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến đời sống của NLĐ trên địa bàn tỉnh. Với những trường hợp như vậy, bảo hiểm xã hội, cụ thể là bảo hiểm TNLĐ, BNN thực sự trở thành “chiếc phao” giúp NLĐ vơi bớt phần nào khó khăn, mất mát.

Chị Nguyễn Thị L. (xã Tam Phước, huyện Long Điền), chồng mất do TNLĐ chia sẻ: “Nỗi đau quá đột ngột, tôi bất tỉnh và không còn biết gì nữa. Sau này người thân kể lại, chồng tôi trong lúc đang làm việc, không may xe nâng bị lật. Trong lúc vội vàng nhảy xuống thì anh bị xe đè tử vong”.

Không chỉ chị L. mà còn rất nhiều người thân của NLĐ không may qua đời do TNLĐ, BNN đều bàng hoàng, đau đớn trước sự ra đi đột ngột của người thân. Để chia sẻ nỗi đau mất mát cùng NLĐ và người thân của NLĐ, bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã tiến hành đẩy nhanh giải quyết các thủ tục trợ cấp TNLĐ, BNN, hỗ trợ kịp thời, giúp gia đình NLĐ sớm vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, tham gia giám sát việc thực hiện quy định về an toàn trong lao động, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh còn tổ chức những chương trình chăm lo ý nghĩa đối với công nhân không may bị TNLĐ, hoàn cảnh khó khăn. Các hoạt động này góp phần chia sẻ, hỗ trợ một phần khó khăn, mất mát của các gia đình.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, TNLĐ là điều không ai mong muốn. Phía sau mỗi vụ TNLĐ là một thảm kịch bởi nhiều gia đình bị đẩy vào cảnh khó khăn khi mất đi lao động chính. Trực tiếp đến thăm các gia đình có người thân mất vì TNLĐ, chúng tôi đã chứng kiến nhiều người vợ phải thay chồng gánh vác kinh tế, nuôi dạy con cái.

Nhiều đứa trẻ lớn lên không có vòng tay người cha… Có nhiều gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Dù công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ được tích cực triển khai, nhưng TNLĐ vẫn luôn thường trực, đòi hỏi các cấp, ngành và DN tiếp tục quan tâm để giảm tối đa nỗi đau cho người lao động và người thân. Mong muốn của chúng tôi là làm sao hạn chế tối đa nỗi đau TNLĐ với người lao động và gia đình họ.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ.

Trong Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2022, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đã đến thăm, động viên 9 gia đình có công nhân mất vì TNLĐ trên địa bàn tỉnh, tặng mỗi gia đình 1 phần quà trị giá 2,5 triệu đồng. LĐLĐ tỉnh đã đến thăm, hỗ trợ 5 gia đình công nhân bị TNLĐ với số tiền từ 1-3 triệu đồng. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội cùng các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh cũng có nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ gia đình công nhân lao động bị TNLĐ nặng.

Triển khai công tác ATVSLĐ năm 2023, Sở LĐ-TB&XH sẽ chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện: Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ: tham gia các hội nghị, hội thảo tập huấn về ATVSLĐ, về chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức; triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về ATVSLĐ, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN, đồng thời xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định pháp luật về công tác ATVSLĐ.

Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ; tham mưu UBND tỉnh tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức ATVSLĐ cho cán bộ công đoàn và mạng lưới an toàn vệ sinh viên trong các doanh nghiệp: Phát động phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động” trong các cơ quan, doanh nghiệp.

Song song với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của NLĐ, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền cho NLĐ. Các chính sách BHXH, bảo hiểm TNLĐ, BNN được phổ biến rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.

Nội dung tập trung về quyền lợi và mức hưởng của chế độ; trách nhiệm tham gia các loại bảo hiểm của người sử dụng lao động và NLĐ. Bên cạnh việc tuân thủ các qui định về ATLĐ, tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN cũng là một trong những giải pháp thực sự cần thiết giúp NLĐ bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình lao động, nhằm hạn chế rủi ro, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.