Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Dạy nghề cho người cai nghiện ma túy: Trao “cần câu” làm lại cuộc đời

(Dân sinh) - Trong thời gian cai nghiện và điều trị tại các Cơ sở cai nghiện ma túy, các học viên được đào tạo nghề, tạo việc làm để khi trở về cộng đồng tìm được công ăn việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Các học viên vừa được cai nghiện, điều trị vừa được hỗ trợ đào tạo nghề hết sức phấn khởi với quyết tâm làm lại từ đầu, tránh xa ma túy.

Các học viên vừa được cai nghiện, điều trị vừa được hỗ trợ đào tạo nghề hết sức phấn khởi với quyết tâm làm lại từ đầu, tránh xa ma túy.

Ở đâu hỗ trợ học nghề - việc làm tốt, ở đó tỷ lệ tái nghiện thấp

Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, học nghề và tìm việc làm để ổn định cuộc sống sau khi cai nghiện là nhu cầu chính đáng và thiết thực của người sau cai nghiện. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, ở đâu làm tốt công tác hỗ trợ học nghề, việc làm cho người sau cai thì ở đó, tỷ lệ tái nghiện thấp.

Chính vì vậy, ngay trong thời gian cai nghiện tại trung tâm, các học viên đã được học nghề kết hợp với lao động trị liệu, lao động sản xuất nhằm phục hồi sức khỏe. Các nghề được dạy phổ biến như: Cơ khí (tiện, nguội, gò, hàn), may công nghiệp, trồng trọt, thủ công mỹ nghệ, cắt tóc, mộc dân dụng, tin học văn phòng, lái xe... dạy các nghề đơn giản như chế biến nguyên vật liệu, làm tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.

Tuy nhiên, do sự kỳ thị của cộng đồng, xã hội và hầu hết người sau cai có trình độ thấp, tay nghề chưa cao nên rất khó xin được việc làm.

Khắc phục hạn chế này, tại nhiều cơ sở xã, phường, những người được giao nhiệm vụ giúp đỡ người sau cai đã có nhiều hoạt động tích cực như: Lồng ghép với các chương trình xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm; xây dựng quỹ phòng, chống ma tuý do nhân dân đóng góp; đứng ra bảo lãnh, vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhận đối tượng sau cai nghiện vào làm việc...

Những người sau cai không đủ sức khỏe và trình độ để đi làm trong các công ty, xí nghiệp thì được tạo điều kiện vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm để họ tự kinh doanh (ở các khu đô thị, thành phố) và chăn nuôi, trồng trọt (ở khu vực nông thôn, miền núi)... Sau một thời gian thực hiện, kết quả bước đầu cho thấy nhiều người đã có việc làm, ổn định cuộc sống.

Với nhận thức “doanh nghiệp và cộng đồng cùng dang tay giúp đỡ những người đã có một thời lầm lỡ, tạo cho họ có cơ hội làm lại cuộc đời”, tại một số tỉnh, thành phố, số lượng đơn vị kinh tế đã tiếp nhận, sử dụng lao động là người sau cai vào làm việc nhưng vẫn còn hạn chế, chỉ chiếm 0,07% số doanh nghiệp. Nhiều tỉnh, thành phố có hàng nghìn doanh nghiệp nhưng chỉ có một hoặc hai doanh nghiệp tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc.  

Bên cạnh những khó khăn chung trong việc tiếp nhận người sau cai vào làm việc, một số địa phương vẫn có những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bằng cái tâm và trách nhiệm xã hội, hưởng ứng sự vận động của chính quyền cơ sở đang tiếp nhận những người sau cai vào làm việc, tạo cho họ cơ hội làm lại cuộc đời.

Cơ sở Cai nghiện ma túy liên kết với các trường đào tạo, dạy nghề mở các lớp dạy nghề ngắn hạn dưới 3 tháng cho những người đang cai nghiện (Ảnh: Cơ sở cai nghiện của tỉnh Quảng Ninh).

Cơ sở Cai nghiện ma túy liên kết với các trường đào tạo, dạy nghề mở các lớp dạy nghề ngắn hạn dưới 3 tháng cho những người đang cai nghiện (Ảnh: Cơ sở cai nghiện của tỉnh Quảng Ninh).

Chính vì thế, để nhân rộng, lan tỏa nhiều hơn sự chung tay tích cực của doanh nghiệp trong tạo việc làm cho người sau cai nghiện, Bộ LĐ-TB&XH đã từng tổ chức Hội nghị biểu dương và nhân rộng mô hình tổ chức, cá nhân hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện, người cai nghiện tiêu biểu hòa nhập cộng đồng.

Việc làm giúp ổn định cuộc sống, tránh xa ma túy

Chỉ có ổn định việc làm mới giúp học viên tái hòa nhập cộng đồng, ngăn ngừa tái nghiện và giảm tệ nạn xã hội. Vì thế, cũng như các đơn vị khác trong khối Cai nghiện ma túy, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội đã định hướng nghề nghiệp, tư vấn tìm việc cho học viên trước khi tái hòa nhập cộng đồng.

Vừa qua, Cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Hội nghị tư vấn, hướng nghiệp, học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên trước khi tái hòa nhập cộng đồng năm 2022. Phó Giám đốc Ngô Văn Ất cho biết, đơn vị đang cai nghiện và chữa trị cho gần 400 học viên.

“Dựa trên kế hoạch chỉ tiêu cấp trên giao, đơn vị đã xây dựng kế hoạch khảo sát nhu cầu của các học viên có nguyện vọng, đăng ký học nghề gì. Các nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, giúp học viên khi trở về cộng đồng dễ tìm kiếm việc làm. Hiện nay, Cơ sở đang đào tạo cho học viên nghề may, cơ khí”,  ông Ngô Văn Ất cho hay.

Đối với các học viên, khi vừa được cai nghiện, điều trị lại được hỗ trợ đào tạo nghề thì hết sức phấn khởi với quyết tâm làm lại từ đầu, tránh xa ma túy.

Hay cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh hiện quản lý 519 học viên, gồm: 233 người cai nghiện tự nguyện, 260 người cai nghiện bắt buộc, 26 người bị quản lý trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cai nghiện bắt buộc. Không chỉ điều trị, người nghiện ma túy ở các cơ sở cai nghiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn được học nghề. Đây chính là cơ hội để những người lầm lỡ được hòa nhập cộng đồng.

Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh (tại xã Vũ Oai, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) hiện có đông học viên lao động, học nghề. Cơ sở liên kết với các trường đào tạo, dạy nghề mở các lớp dạy nghề ngắn hạn dưới 3 tháng cho những người đang cai nghiện tại đây. Hiện cơ sở phối hợp mở lớp dạy nghề may công nghiệp cho học viên. Khi học viên học nghề xong sẽ phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ trong việc cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Đồng thời, cơ sở cũng sẽ nhận gia công các sản phẩm may công nghiệp để người cai nghiện được lao động trị liệu, rèn luyện, nâng cao tay nghề. Hoàn thành chương trình cai nghiện, người lao động có cơ hội tìm việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp hoặc các cơ sở sản xuất hàng may mặc trên địa bàn tỉnh. Hiện một số công ty, cơ sở sản xuất đã liên kết với cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh thực hiện dạy nghề, đào tạo.

Cùng với dạy nghề, đào tạo nghề phù hợp với đối tượng sau cai nghiện, một giải pháp được xem như thiết thực hiện nay là tổ chức cho vay vốn giải quyết việc làm, dành những khoản cho vay ưu đãi, lãi suất thấp cho người sau cai nghiện thiếu việc làm, ưu đãi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có thu hút người sau cai nghiện bị thất nghiệp do Trung tâm Dịch vụ việc làm giới thiệu nhằm tạo việc làm mới và hỗ trợ giải quyết việc làm thêm cho người sau cai nghiện.

Bà Hoàng Thị Nhất, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lạng Sơn cho rằng: Khi người sau cai nghiện trở về cộng đồng, các địa phương cần tổ chức cho người sau cai nghiện đăng ký tìm việc làm với các đoàn thể trên địa bàn hoặc tại trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh.

Đồng thời phân công tổ chức đoàn thể quản lý đối tượng sau cai, liên hệ với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tìm việc làm cho những đối tượng đã hoàn thành tích cực các chương trình quản lý sau cai nghiện.

Để công tác quản lý sau cai nghiện thực sự hiệu quả và góp phần chống tái nghiện thì cần phải giải quyết được bài toán dạy nghề cũng như tạo được việc làm cho các đối tượng này. Bởi khi có việc làm, họ sẽ có động lực để vươn lên hòa nhập và thực sự từ bỏ ma túy. Muốn vậy, cần phải có sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, nhất là ý chí phấn đấu nỗ lực của chính những người sau cai nghiện. Đặc biệt rất cần sự hợp tác từ gia đình và sự cảm thông, chia sẻ của các doanh nghiệp khi tiếp nhận các đối tượng này vào làm việc.