Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Dịch Covid-19 kéo dài: Vượt qua khủng hoảng bằng chính sách

(Dân sinh) - Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực, và việc làm. Nhằm tạo giá đỡ cho người lao động, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra Đề án với 6 nhóm chính sách hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid- 19. Đây là quyết sách kịp thời của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua “cơn bão” và bảo đảm quyền lợi cho người lao động.


Bài 1: Đề xuất chính sách "cứu" hàng triệu lao động và doanh nghiệp

Nhiều đề xuất chính sách của Bộ LĐ-TB&XH để các doanh nghiệp và người lao động có "tâm thế" chủ động vượt qua khó khăn (doanh nghiệp được vay để trả lương, bảo hiểm, chi trợ cấp cho người lao động; hỗ trợ người lao động nhận các chế độ, chính sách thất nghiệp; chuẩn bị đào tạo lại cho các lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…) đang được coi là "phao cứu sinh" cho hàng triệu lao động và doanh nghiệp không chỉ là ngắn hạn, hiện tại, mà có tầm nhìn dài hạn và tương lai khi hết dịch bệnh.

Doanh nghiệp "đứng ngồi không yên", thoi thóp cầm cự

Trước tình hình dịch Covid-19, nhiều chuyên gia dự báo, thị trường lao động quý I cũng như cả năm 2020, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, sẽ thiếu hụt và dịch chuyển mạnh do nhiều doanh nghiệp đóng cửa, thu hẹp chuỗi sản xuất.

Không chỉ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch khó khăn buộc phải sa thải nhân viên. Hai ngành công nghiệp có tính gia công cao, sử dụng nhiều lao động như dệt may và lắp ráp điện tử cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19.

Các doanh nghiệp hoạt động trong 2 lĩnh vực này khó cả đầu ra lẫn đầu vào vì thiếu nguyên liệu đầu vào và khó xuất khẩu hàng hóa đầu ra.

Nhiều doanh nghiệp dệt may, điện tử chỉ có thể cầm cự được hết tháng 3, sang đầu tháng 4 sẽ rất khó khăn thiếu nghiêm trọng nguyên vật liệu đầu vào. Vì vậy, nếu không sớm tìm cách khắc phục, số lao động bị mất việc trong 2 ngành này thời gian tới sẽ tăng đột biến.

Tình thế khá đột ngột này đang đẩy các doanh nghiệp dệt may, da giày… vào cảnh "đứng ngồi không yên", thoi thóp cầm cự, thậm chí kéo dài còn lo phá sản.

Ngay như Cty CP tập đoàn Gia Định, theo ông Nguyễn Chí Trung, CHủ tịch HĐQT, hiện cũng đã cho 50% công nhân nghỉ việc luân phiên và dự kiến cũng chỉ cầm cự được đến cuối tháng này. Nhiều doanh nghiệp nhỏ đã phải tạm dừng sản xuất, các cơ sở sản xuất nhỏ thì đã phải đóng cửa từ trước đó.

Đề án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động: “Phao” cứu sinh cho DN vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Đề án với 6 nhóm chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19, là quyết sách kịp thời của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cũng lo lắng không kém. "Nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5 và kinh tế phục hồi từ tháng 6/2020 thì ước tính ngành dệt may thiệt hại 11 nghìn tỷ đồng", ông Trường thông tin.

Theo đó, Vinatex nhận định, nếu không có sự điều chỉnh về chính sách, khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4/2020. Lao động thiếu việc làm từ 30% tới 50% trong tháng 4 - 5/2020.

Tiếp sức cho doanh nghiệp và người lao động

Trước những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) mới đây đã đưa ra Đề án với 6 nhóm chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19.

Trong đó, nhóm giải pháp về tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp đến hết tháng 12/2020 được đặc biệt quan tâm. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là quyết sách kịp thời của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất. Trước mắt tập trung hai nhóm đối tượng cụ thể là người lao động bị ngừng việc, thôi việc và đối tượng thứ hai là doanh nghiệp có trên 50% lao động phải nghỉ việc, giãn việc, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19 từ 50% trở lên.

"Trong điều kiện hiện nay, Bộ đề xuất với Chính phủ và Thường vụ Quốc hội mở rộng đối tượng này theo hướng không chỉ phần trăm số lượng lao động bị ảnh hưởng. Theo đó, sẽ không khống chế tỉ lệ 50% đối với doanh nghiệp mà việc này áp dụng cho mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng 10%", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích.

Theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, với tác động, đề xuất như trên, ước tính sẽ có khoảng 3 triệu người và hơn 200.000 doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này với kinh phí từ 25.000 - 49.000 tỉ đồng.

Nếu đề xuất này được thông qua, các doanh nghiệp, người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020. Với khoảng 10,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp như hiện nay, ước tính số tiền tạm ngừng đóng sẽ là 12.800 tỉ đồng.

Vì vậy, đây được đánh giá là chủ trương rất lớn trong hỗ trợ cắt giảm chi phí cho người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19.

Đánh giá riêng về hai nhóm giải pháp (tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp đến hết tháng 12/2020) theo ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty mỹ nghệ Kim Bôi, dịch COVID-19 đến quá nhanh khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh ngoài ý muốn, không có việc làm và khó đảm bảo chi trả lương cho người lao động.

"Do đó, các chính sách hoãn, giãn hoặc chậm nộp một vài khoản nộp bắt buộc đang được đề xuất là rất cần thiết, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn tiền chi trả cho người lao động, giữ chân lao động qua cơn khốn khó này", ông Hùng nhìn nhận.

Đồng quan điểm, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn đánh giá, đây là giai đoạn rất quan trọng để giữ chân người lao động nên các chính sách như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cần phải được "mở", nếu không khi dịch qua đi thì việc tìm lại nguồn lao động để tiếp tục duy trì sản xuất lại càng khó khăn hơn. 

Đón nhận thông tin về Đề án với 6 nhóm giải pháp hỗ trợ lao động và doanh nghiệp của Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội Hoàng Thanh Sơn cho hay, các nhóm giải pháp trợ giúp người lao động, doanh nghiệp được triển khai càng sớm càng tốt.

Còn ông Nguyễn Tuấn Anh, làm việc tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) phấn khởi cho biết, các chính sách trợ giúp sẽ là phao cứu sinh cho người lao động, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. 

"Với những giải pháp đã, đang triển khai, hy vọng đời sống của người lao động sẽ ổn định, cộng đồng doanh nghiệp sẽ sớm hoạt động ổn định trở lại",  ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Đánh giá về đề xuất này, ông Lê Tiến Trường cũng cho rằng, với tình hình dịch hiện nay thì tất cả các doanh nghiệp, các lĩnh vực đều bị tác động, bị thiệt hại bởi dịch. Việc Nhà nước có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thì rất tốt, giúp họ giảm bớt phần nào khó khăn, chèo chống vượt qua "cơn bão" dịch Covid- 19.

6 nhóm giải pháp hỗ trợ lao động và doanh nghiệp của Bộ LĐ-TB&XH

Thứ nhất là chính sách BHXH: Bộ đề xuất tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất. Trước mắt tập trung hai nhóm đối tượng cụ thể là người lao động bị ngừng việc, thôi việc và đối tượng thứ hai là doanh nghiệp có trên 50% lao động phải nghỉ việc, giãn việc, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19 từ 50% trở lên.

Thứ hai là tập trung miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp cho người bị mất việc, ngừng việc do tác động của COVID-19, thời gian tính toán cũng từ tháng 3 đến hết tháng 12-2020.

Thứ ba, có thể nói đây là thời cơ để sử dụng kết dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Quỹ này sẽ sử dụng cho việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề của người lao động; hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để giữ chân người lao động, đồng thời đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, để khi tình hình ổn định thì người lao động quay trở lại làm việc.

Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, tập trung hai việc: doanh nghiệp được hỗ trợ tiền để trả lương trong trường hợp người lao động ngừng việc tạm thời, mục tiêu là để giữ chân người lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định.

Việc thứ hai có tính chất dài hơi hơn là đề xuất nhà nước cho doanh nghiệp vay để trả lương, bảo hiểm, chi trợ cấp cho người lao động trong trường hợp mà người lao động phải thôi việc, mất việc. Ở đây, nhà nước hỗ trợ cho vay nhưng không tính lãi, khi doanh nghiệp ổn định trở lại thì doanh nghiệp có trách nhiệm trả lại số tiền này.

Thứ năm là chính sách tín dụng với người lao động, DNVVN, tổ hợp tác, hợp tác xã... Đây là chính sách đề nghị cho các loại hình này được vay vốn sản xuất, phục hồi sản xuất, hỗ trợ tìm nguyên liệu, vật liệu phụ liệu mới để tiếp tục tái tạo sản xuất, với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, tức vào khoảng 3,96%.

Thứ sáu, có chính sách tạm hoãn đóng quỹ công đoàn cho các doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp trong từng giai đoạn.