Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đề nghị giữ nguyên quy định tuổi thanh niên từ đủ 16 - 30 tuổi

(Dân sinh) - Luật Thanh niên số 53/2005/QH11 quy định thanh niên là người từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Đây cũng là độ tuổi phù hợp trong mối tương quan với độ tuổi của trẻ em theo Luật Trẻ em. Mặt khác, qua rà soát cho thấy quy định của dự thảo Luật không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội được giữ như quy định tại Điều 1 dự thảo Luật, "Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi".

Chiều 25/5, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

Quy định về độ tuổi thanh niên không giống nhau ở các nước

Về độ tuổi, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số ý kiến thống nhất với dự thảo Luật, theo đó quy định độ tuổi thanh niên từ đủ 16 - 30 tuổi.

Một số ý kiến đề nghị quy định độ tuổi thanh niên từ đủ 16 - 35 tuổi cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của các cơ quan, tổ chức, tạo điều kiện cho công tác cán bộ Đoàn, góp phần tập hợp thanh niên; phù hợp với thực tiễn tuổi thọ bình quân, sức khỏe thể chất của người dân.

Ông Phan Thanh Bình cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu các phương án nhằm xác định độ tuổi thanh niên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn khi tổ chức thực hiện các chính sách đối với thanh niên; tránh dàn trải các nguồn lực hỗ trợ, phù hợp với thực tiễn hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định về độ tuổi thanh niên không giống nhau ở các nước nhưng thường tập trung trong khoảng từ 15 - 30 tuổi.

"Việc quy định độ tuổi thanh niên phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cũng như mục tiêu phát triển toàn diện thanh niên của từng quốc gia", ông Bình nói.

Luật Thanh niên số 53/2005/QH11 quy định thanh niên là người từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Đây cũng là độ tuổi phù hợp trong mối tương quan với độ tuổi của trẻ em theo Luật Trẻ em.

Mặt khác, ông Bình cho biết, qua rà soát cho thấy quy định của dự thảo Luật không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, quy định tuổi thanh niên từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi là phù hợp với thực tiễn công tác Đoàn, với Điều lệ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Đồng thời, cũng không ảnh hưởng đến công tác cán bộ Đoàn vì Điều lệ Đoàn quy định đoàn viên trên 30 tuổi nếu được bầu cử vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn hoặc làm công tác chuyên trách thì tiếp tục hoạt động trong tổ chức Đoàn. Ngoài ra, quy định tiêu chuẩn về độ tuổi của cán bộ Đoàn được thực hiện theo Quy chế Cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội được giữ như quy định tại Điều 1 dự thảo Luật, "Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi".

Lực lượng đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc

Về quyền, nghĩa vụ của thanh niên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, một số ý kiến đề nghị không nên quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của thanh niên vì các quyền và nghĩa vụ này đã được quy định tại luật chuyên ngành, chỉ nên quy định về trách nhiệm của thanh niên.

Có ý kiến cho rằng, việc quy định quá nhiều quyền, ít nghĩa vụ sẽ dẫn đến việc coi thanh niên là đối tượng yếu thế cần bảo vệ chứ không phải là tạo điều kiện, môi trường để thanh niên phát huy và cống hiến.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực mà chỉ dành 01 điều tại phần "Những quy định chung" quy định thanh niên có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Đồng thời, thay bằng việc quy định thanh niên có những quyền và nghĩa vụ cụ thể, Dự thảo quy định trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình cũng như trách nhiệm của các chủ thể khác trong việc tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho thanh niên thực hiện trách nhiệm.

Việc thiết kế các quy định theo định hướng như trên vừa tránh được sự trùng lắp, chồng chéo với các đạo luật khác vừa bảo đảm tính khả thi của điều luật; thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của thanh niên - một lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc trở thành lực lượng đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.

Quy định của dự thảo Luật đã thể chế hóa được nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, giúp từng cá nhân thanh niên thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của mình, từ đó tạo động lực tự thân để phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sứ mệnh thiêng liêng của lực lượng thanh niên trong thời đại mới.