Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đề xuất khung hướng dẫn, quản lý các khu dự trữ sinh quyển quốc gia ở Việt Nam trong bối cảnh mới

(Dân sinh) - “Không có sinh quyển thì không có xã hội, không có xã hội thì không có kinh tế”, GS.TSKH Trương Quang Học khẳng định trong lời giới thiệu về đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất khung hướng dẫn quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam”. Đề tài có đơn vị chủ trì là Trung tâm Phát triển Cộng đồng sinh thái (ECODE) và các đơn vị phối hợp, thực hiện trong 3 năm từ 2021 – 2024.

Việt Nam hiện tại có 11 khu DTSQ đã được công nhận (xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á), với tổng diện tích hơn 4,1 triệu ha, chiếm khoảng 12,1% diện tích cả nước, bao gồm: Hệ sinh thái biển đảo (Cát Bà); Hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và biển (khu vực sông Hồng, Cù Lao Chàm – Hội An, Cần Giờ, Kiên Giang, Mũi Cà Mau); Hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa (miền Tây Nghệ An); Hệ sinh thái rừng nhiệt đới (Langbiang); Hệ sinh thái rừng trên đất liền và đất ngập nước nội địa (Đồng Nai).

Hội thảo công bố kết quả ban đầu của đề tài Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất khung hướng dẫn quản lý khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam (2021-2024) do Trung tâm Phát triển Cộng đồng sinh thái ECODE

Hội thảo công bố kết quả ban đầu của đề tài Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất khung hướng dẫn quản lý khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam (2021-2024) do Trung tâm Phát triển Cộng đồng sinh thái ECODE

Tuy nhiên hiện nay cơ cấu ban quản lý các khu DTSQ ở Việt Nam vẫn chưa có sự thống nhất , do thiếu khung pháp lý liên quan đến quản lý, giám sát. Vì vậy, sự tham gia của cộng đồng trong việc phát triển các khu DTSQ này còn rất hạn chế. Và bên cạnh đó, các nguồn lực và nhân lực đều còn chưa đáp ứng các nhiệm vụ đặt ra.

Mục tiêu nghiên cứu đề tài nhằm góp phần xây dựng khung hướng dẫn quản lý, kế hoạch và mô hình phát triển xanh cho các khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam, theo yêu cầu và hướng dẫn của UNESCO, và phù hợp điều kiện Việt Nam.

Đề tài đang thực hiện đúng tiến độ và đã đạt được các kết quả ban đầu. Một trong những kết quả chính đề tài cần đạt được là xây dựng khung bộ máy tổ chức quản lý các khu DTSQ theo từng loại hình (trong phạm vi một huyện; một tỉnh; liên tỉnh). Đó cũng sẽ là những giải pháp phát huy được chức năng của khu DTSQ trong bảo tồn, hỗ trợ và phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam.