Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đề xuất kỷ luật vụ sai sót câu chữ trong văn bản phòng chống dịch: Liệu đã thấu tình, đạt lý?

(Dân sinh) - Có thể thấy văn của Sở TN&MT thành phố HCM gửi các đơn vị về việc xây dựng phương án ứng phó với tình hình phòng chống dịch COVID-19 là thể hiện trách nhiệm cao đối với cộng đồng, phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ. Do đó việc đề xuất kỷ luật cần phải xem xét một cách thấu tình, đạt lý.

Mới đây (28/3), UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) truyền đạt ý kiến của Thường trực UBND TP về vấn đề liên quan đến văn bản số 2285 ngày 26/3 của sở này đối với phương án hoạt động hỏa táng ứng phó tình hình dịch COVID-19.

Trong văn bản có nêu: Việc Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành công văn số 2285 đã gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM, tạo ra tâm lý hoang mang trong một bộ phận người dân. Thường trực UBND TP.HCM phê bình nghiêm khắc Sở TN-MT và yêu cầu sở này kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, đề xuất hình thức kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan.

Quay trở lại nội dung văn bản gây hiểu lầm trên, cụ thể ngày 26/3, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có văn bản khẩn gửi 3 đơn vị là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP, Công ty TNHH xây dựng và kinh doanh nhà Điền Phúc Thành và Công ty cổ phần đầu tư Long Cơ về xây dựng báo cáo phương án hoạt động hỏa táng ứng phó với tình hình phòng chống dịch COVID-19.

Đề xuất kỷ luật vụ sai sót câu chữ trong văn bản phòng chống dịch: Cần thấu tình, đạt lý! - Ảnh 1.

Văn bản phòng chống dịch Covid-19 có sai sót trong cách diễn đạt của Sở TN&MT TP. HCM

Nội dung trong văn bản đề nghị 3 công ty trên báo cáo gồm: Công suất tối đa của các cơ sở hỏa táng trong trường hợp vận hành liên tục; quy trình tiếp nhận và giải pháp cách ly tối đa để không ảnh hưởng đến con người và các khu vực xung quanh; phương án cách ly và giải pháp duy trì vận hành hoạt động 24/24 giờ tại cơ sở hỏa tang… đề xuất, kiến nghị của công ty trong công tác chuẩn bị phối hợp phòng chống dịch.

Tại văn bản này đã xảy ra một sơ suất nhỏ, đó là việc đề cập tới tình huống cần phải "hỏa táng các bệnh nhân nặng, có nguy cơ tử vong do Covid-19". Chính sai sót trong cách cách diễn đạt văn bản đã gây ra sự hiểu nhầm cho người dân.

Sau khi sự việc được phát hiện, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hành công văn, đồng thời rà soát lại quy trình phát hành công văn và chủ động thu hồi, hủy công văn này.

Trong sự viêc này, trước hết phải đánh giá đây là văn bản thể hiện trách nhiệm cao của Sở TN&MT TP. HCM trước tình hình dịch bệnh phức tạp, phù hợp với chủ trương của Đảng, của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, đó là việc phòng chống dịch là của toàn dân chứ không phải riêng ai.

Là một đơn vị đầu ngành, có nhiệm vụ tham mưu cho cấp trên, cũng như đưa ra các hướng dẫn cho các đơn vị cấp dưới, chẳng nhẽ trong thời điểm cấp bách này, khi cả nước đang gồng mình chống dịch thì Sở TN&MT TP. HCM lại ngồi im chờ chỉ đạo mà không làm gì?.

Mặt khác, có thể thấy bản chất văn bản rất trong sáng, không có động cơ, mục đích. Nếu xét về mức độ nghiêm trọng thì nó không có gì ghê gớm khi đem so sánh với nhiều văn bản, quyết định khác. Đó là những vụ án tham nhũng, tiêu cực được bắt đầu từ những văn bản tham mưu sai trái có động cơ, mục đích nhằm trục lợi… tuy rằng chúng không có sai sót gì về cách diễn đạt.

Sau sự việc, UBND TP.HCM phê bình nghiêm khắc Sở TN-MT và yêu cầu sở này kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan đã cho thấy sự nghiêm túc, kịp thời của thành phố trong công tác chỉ đạo, giám sát, tránh sự hiểu nhầm trong dư luận, giúp cho Sở TN&MT nhận thấy nhược điểm, rút ra được bài học kinh nghiệm, tránh được những sai sót sau này, tạo lòng tin trong nhân dân.

Tuy nhiên, xét về đề xuất hình thức kỷ luật liệu có quá nghiêm khắc và nặng nề không?, khi văn bản của Sở TN&MT là việc đúng đắn, cần thiết, có chăng chỉ là lỗi diễn đạt câu chữ và nó chưa gây ra hậu quả gì nghiêm trọng.

Về ván đề này, Luật sư Hoàng Tùng, VPLS Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định, sự việc cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, cẩu thả của cán bộ soạn thảo văn bản lẫn người ký. Tuy nhiên xét về bối cảnh hiện nay, trong tình hình dịch bệnh vô cùng phức tạp đòi hỏi trách nhiệm cũng như ý thức tự giác, chủ động của các đơn vị trong công tác phòng chống dịch.

Do đó, về bản chất thì đây là văn bản kịp thời, vì mục đích chung và có trách nhiệm của Sở TN&MT TP. HCM. Mặt khác, sau khi phát hiện, đơn vị này đã chủ động thu hồi và nhận trách nhiệm về mình, điều này cho thấy họ không né tránh và không đổ lỗi cho ai, mặc dù nó chưa gây hậu quả gì ghê gớm.

Được biết Thường trực UBND TP.HCM đã phê bình nghiêm khắc Sở TN-MT và yêu cầu Sở này kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Đây là việc cần thiết để chấn chỉnh cán bộ, công chức trong thi hành nhiệm vụ, đồng thời là sự răn đe chung đối với các đơn vị cấp dưới để họ rút ra được những bài học sau này.

"Về việc đề xuất hình thức kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan, theo tôi cần xem xét lại bối cảnh ban hành văn bản. Bởi thực tế văn bản này không có gì xấu. Việc phòng chống dịch là của toàn dân, trong khi đó Sở TN&MT là một đơn vị đầu ngành của TP. HCM thì họ không thể đứng ngoài cuộc chiến chống dịch Covid-19 được. Vì vậy theo tôi, việc xem xét kỷ luật cần được xem xét thấu đáo, hợp tình, đạt lý" – LS Tùng cho biết.