Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đề xuất tạm dừng tiếp nhận hàng hóa lên cửa khẩu Tân Thanh

(Dân sinh) - Ngày 18/4, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo Bộ Công Thương, Tài Chính đi kiểm tra tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại một số cửa khẩu và làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn.

Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, tuy nhiên, đến nay vẫn còn hơn 2.600 xe tồn đọng tại các cửa khẩu, riêng cửa khẩu Tân Thanh là hơn 1 nghìn xe… Nguyên nhân do phía Trung Quốc siết chặt biên giới để chống dịch Covid-19 nên thời gian qua mỗi ngày tại 3 cửa khẩu chính của Lạng Sơn (Tân Thanh; Hữu Nghị và Cốc Nam) có khoảng 600 lượt xe thông quan, giảm 50% so với trước đây.

Đề xuất tạm dừng tiếp nhận hàng hóa lên cửa khẩu Tân Thanh  - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo Bộ Công Thương, Tài Chính đi kiểm tra tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại một số cửa khẩu.

Đại tá Ninh Văn Hợp, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết, số lượng xe còn tồn đọng tại bến bãi khu vực các cửa khẩu hiện còn khoảng 2 nghìn xe, và thay đổi từng ngày. Tuy nhiên thời gian này do khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đến các tỉnh thì lượng xe từ nội địa ra cửa khẩu có giảm hơn, lượng hàng tồn chủ yếu hiện nay là từ thời điểm trước:

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn, bà Lâm Thị Phương Thanh cho biết, do các xe chở hàng phải nằm lại chờ thông quan nên số lượng người tập trung tại cửa khẩu này lên đến hàng nghìn người. Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid 19 an toàn cho người dân, vừa giải phóng nhanh hàng hóa và giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, tỉnh Lạng Sơn cũng đã có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng tiếp nhận hàng hóa lên cửa khẩu Tân Thanh.

"Hiện nay Việt Nam chủ động và phía Trung Quốc cũng đang rất tích cực để tháo gỡ khó khăn như: Tiếp tục thông quan vào thứ 7, chủ nhật và kéo dài thời gian thông quan hơn. Chúng tôi hy vọng là trong một thời gian ngắn có thể sẽ giải toả được tình trạng hàng hóa tồn đọng hiện nay. Nếu như lượng xe từ các tỉnh lên tiếp tục giảm bớt thì sẽ giảm áp lực. Sau khi thiết lập lại được mối quan hệ nguyên tắc về xuất nhập khẩu như thời điểm trước khi có dịch thì chắc chắn sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc như thời gian vừa qua", bà Lâm Thị Phương Thanh thông tin.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, giải pháp tháo gỡ trước mắt là Việt Nam và Trung Quốc cần thống nhất mở thêm một số luồng để tăng lưu lượng kiểm tra, làm thủ tục cho xe nông sản thông quan được nhiều hơn. Cùng với đó tăng thêm thời gian thông quan tại các cửa khẩu, như cửa khẩu Tân Thanh sẽ tăng thời hoạt động từ 5 giờ lên 7 giờ mỗi ngày và không nghỉ cuối tuần. Việt Nam và Trung Quốc cũng cần làm việc để nâng được năng lực bốc dỡ hàng hóa 2 đầu để giải tỏa nhanh lượng xe lớn đang ùn ứ hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, các tỉnh phía Nam tiếp tục tạm thời chưa đưa các xe hàng nông sản ra cửa khẩu Lạng Sơn. Bởi nếu để hàng nông sản chờ lâu như hiện nay thì tốn chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng, môi trường. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương chuẩn bị tốt những điều kiện để sau khi khống chế được dịch có đủ các điều kiện nhân lực, vật lực thúc đẩy thông quan.

Trong thời gian tới, khi tình hình dịch khả quan hơn, thông thương trở lại bình thường thì các cấp, các ngành cần lên kế hoạch từ sớm, sẵn sàng đẩy mạnh năng lực xuất nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường. Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng cần đánh giá lại năng lực thông quan trên toàn bộ hệ thống cửa khẩu của Việt Nam với Trung Quốc để các bộ, ngành cùng tìm ra hướng nâng cao hiệu quả luân chuyển hàng hóa. "Nên đánh giá thế mạnh của từng nhóm cửa khẩu với các loại nông sản chỉ đạo điều hành luồng hàng xuất khẩu cho khoa học, hợp lý. Phân chia, cửa khẩu nào thì nhóm hàng khô, cửa khẩu nào nhóm hàng tươi đấy là cái thứ nhất. Thứ hai phải thống nhất tổng thể chung theo mùa vụ, theo tháng, theo quý để định hướng khối lượng luân chuyển hàng hoá phù hợp không chỉ với tín hiệu của thị trường. Quan trọng là phù hợp với năng lực thông quan và phù hợp với hệ sinh thái và nguồn nhân lực thì mới đảm bảo khoa học. Một việc nữa phải tăng cường trao đổi về thông tin, thống nhất thông tin giữa các Bộ, ngành, địa phương, 2 bên để làm sao thông suốt quá trình thông tin", Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, trong tình hình hiện nay cần tập trung giãn hoặc tạm dừng lượng hàng hóa đưa lên cửa khẩu; hướng dẫn nông dân, chủ hàng chuyển hướng sang xuất khẩu nông sản chính ngạch và tăng cường giao thương nông sản bằng đường sắt giữa 2 bên Việt Nam - Trung Quốc.