Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đề xuất tăng mức hưởng dưỡng sức chế độ ốm đau của người lao động

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới đây đã đề xuất sửa đổi nhiều quy định liên quan đến chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau của người lao động.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới đây đã đề xuất thay đổi mức hưởng dưỡng sức chế độ ốm đau.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới đây đã đề xuất thay đổi mức hưởng dưỡng sức chế độ ốm đau.

Hiện mỗi ngày dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, người lao động được hưởng 447.000 đồng. Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất quy định mức hưởng mỗi ngày là 540.000 đồng.

Cụ thể, Điều 29 luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau 1 ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng nên mức hưởng này là 447.000 đồng/ngày.

Điều 50 dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định: "Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 540.000 đồng. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau 1 ngày được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng theo quy định của Chính phủ".

Theo đơn vị xây dựng dự thảo luật, việc đề xuất mức hưởng không căn cứ vào mức lương cơ sở là nhằm để phù hợp với chủ trương cải cách tiền lương, quy đổi mức lương cơ sở hiện hành thành tiền tuyệt đối, sau đó điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng.

Ngoài ra, dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đề xuất sửa điều kiện để hưởng chế độ ốm đau, quy định tại Điều 46.

Theo đó, điều kiện để hưởng chế độ ốm đau là người lao động phải nghỉ việc do mắc bệnh hoặc tai nạn rủi ro và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế; phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Người lao động không được giải quyết chế độ ốm đau trong các trường hợp: Do tự hủy hoại sức khỏe, sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định; nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương, ngừng việc theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.