Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đến năm 2025: 100% trường học có giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn hướng nghiệp

Tiểu ban giáo dục phổ thông thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực vừa tổ chức phiên họp với chủ đề “Giải pháp thực hiện phân luồng hướng nghiệp học sinh trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018”.

Chương trình giáo dục hướng nghiệp cho học sinh sẽ gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương. (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19).

Chương trình giáo dục hướng nghiệp cho học sinh sẽ gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương. (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19).

Sơ lược kết quả 3 năm thực hiện Đề án 522, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo thống kê báo cáo của UBND các tỉnh thành, có 4/6 tiêu chí của Đề án giai đoạn 2018-2020 đã đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, ở tiêu chí “Trường THCS có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với  hoạt động sản xuất, kinh  doanh, dịch vụ của địa  phương”, 68,52% cơ sở trên cả nước đã đáp ứng được; trong khi mục tiêu của Đề án là 55%. Ở tiêu chí “Trường THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với  hoạt động sản xuất, kinh  doanh, dịch vụ của địa  phương”, tỷ lệ đạt được thực tế là 75,93%, cao hơn mục tiêu Đề án 15,93%.

Đối với 2 tiêu chí “Trường THCS có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ” và “Trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu  cầu về chuyên môn, nghiệp vụ”, tỷ lệ đạt được cũng vượt hơn mục tiêu lần lượt là 19,07% và 17,78%. Hai tiêu chí chưa hoàn thành mục tiêu là “Học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp” và “Học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng”.

 

Việc thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, cũng đạt một số kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật như việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học liên thông giữa các trình độ đào tạo, lên các cấp học cao hơn; cơ chế chính sách khuyến khích học sinh đi học nghề, hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách và những cơ sở đào tạo học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Các cơ sở GDPT đã tích cực đổi mới, đa dạng hóa hình thức tư vấn hướng nghiệp để phù hợp với lứa tuổi học sinh. Nhiều hoạt động giáo dục gắn với giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phù hợp với bối cảnh của địa phương như giáo dục gắn với sản xuất kinh doanh theo mô hình giáo dục gắn với đồi chè, vườn mía, cà phê được các trường ở Lào Cai, Tuyên Quang và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên thường xuyên triển khai. Giáo dục STEM trong cơ sở GDPT ngày càng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực…

Tuy nhiên, hoạt động phân luồng hướng nghiệp cho học sinh vẫn gặp nhiều hạn chế do tâm lý của người học và phụ huynh “chuộng” học tiếp lên đại học hoặc ở nhà lao động kiếm sống ngay. Đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm công tác này chưa được đào tạo bài bản nên còn hạn chế về năng lực thực hiện. Chương trình, tài liệu phục vụ cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng. Nhiều địa phương chưa có đủ hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thu hút học sinh. Thông tin về thị trường lao động vẫn còn hạn chế, chưa đầy đủ, công khai, nên khó thuyết phục học sinh và phụ huynh tham gia phân luồng, hướng nghiệp.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai Đỗ Minh Tâm cho biết, Đề án 522 đã tạo ra những tác động tích cực đến công tác phân luồng hướng nghiệp cho học sinh của địa phương, vốn chưa thực hiện hiệu quả trong giai đoạn trước đây. Từ khi thực hiện Đề án 522, tỷ lệ học sinh sau THCS vào THPT của địa phương này, trong các năm, dao động từ 62-68%; 8-10% học sinh vào Giáo dục thường xuyên; tỷ lệ theo học nghề từ hệ sơ cấp đến cao đẳng là 14%. Đối với học sinh học xong cấp THPT, tỷ lệ vào đại học khoảng hơn 4%; vào cao đẳng là hơn 9% và 16%-18% đi học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Nâng cao chất lượng hướng nghiệp và phân luồng sau THCS, THPT cũng là một giải pháp nâng cao chất lượng GDPT. (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19).

Nâng cao chất lượng hướng nghiệp và phân luồng sau THCS, THPT cũng là một giải pháp nâng cao chất lượng GDPT. (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19).

Báo cáo tham luận của của một số đại biểu cũng chỉ ra những điểm đạt được và hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Đề án. Khi thảo luận giải pháp thực hiện phân luồng hướng nghiệp học sinh trong thực hiện Chương trình GDPT năm 2018, nhiều đại biểu dành sự quan tâm lớn đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên.

Theo đó, một số chuyên gia đề xuất đào tạo văn bằng 2 hoặc chứng chỉ nghiệp vụ cho giáo viên được phân công thực hiện công tác này, thay vì chỉ bồi dưỡng thường xuyên như hiện nay. Với những yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng “đủ lớn” đó, sẽ giúp giáo viên có đủ năng lực hướng nghiệp cho học sinh và nâng cao chất lượng công tác này.

“Nâng cao chất lượng hướng nghiệp và phân luồng sau THCS, THPT cũng là một giải pháp nâng cao chất lượng GDPT”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh và cho biết, Tiểu ban GDPT sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến chuyên gia để hoàn thiện báo cáo sơ kết và xây dựng phương cho giai đoạn tới. Trong đó, một số giải pháp lớn sẽ được đề cập tới là tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông, phụ huynh học sinh; làm tốt việc bố trí, bồi dưỡng giáo viên để đảm đương nhiệm vụ này.

Hiện hơn 70% cơ sở GDPT đã có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; tỷ lệ này ở địa phương có điều kiện khó khăn là 50% nhưng mục tiêu đến năm 2025 là 100% trường có giáo viên kiêm nhiệm công tác này và đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Do đó, việc phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ là một trong nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong giai đoạn tới.